Bí ẩn về 'Tổ đại bàng lửa' ở Siberia
Năm 1949, một nhà địa chất học có tên là Vadim Kolpakov đã phát hiện ra gò đá voi lớn ở phía bắc vùng Irkutsk, đông nam Siberia, cách trung tâm quận Bodaibo khoảng 360 km.
Khi đó, Vadim Kolpakov thực hiện nhiệm vụ tới khu vực miền bắc nước Nga nằm ở vùng Irkutsk với công việc là vẽ bản đồ địa chất của khu vực.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhà địa chất đã vô tình bắt gặp một thứ gì đó rất bí ẩn mà cho đến nay các chuyên gia vẫn đi tìm lời giải đáp về sự xuất hiện và nguồn gốc của nó.
Gò đá cao khoảng 40 mét, rộng 100 mét ở chân gò với miệng núi lửa trên đỉnh và mô đất nằm chính giữa. Miệng núi lửa được đặt theo tên của một con sông gần đó nhưng người dân địa phương hay gọi là 'tổ đại bàng lửa'.
Kể từ khi phát hiện ra miệng núi lửa, đã có nhiều giả thuyết về cách thức hình thành. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng đó là cấu trúc tạo ra do va chạm với thiên thạch.
Một số đưa ra bằng chứng liên kết gò đá với thiên thạch Tunguska, nhưng phần gò đá trông không giống bất cứ khu vực nào có thiên thạch rơi trước đó.
Sau này, một số nhà địa chất cho rằng đó có thể là một ngọn núi lửa mới hình thành nhưng không có vật liệu núi lửa nào được tìm thấy quanh đó.
Bằng cách đếm vòng cây của những cây mọc trên miệng núi lửa, các nhà khoa học Siberia tính được tuổi của nó khoảng 250 năm.
Đáng chú ý, những cái cây xung quanh miệng núi lửa cho thấy bằng chứng về sự phát triển nhanh chóng trong một thời gian dài. Điều này tương tự như những gì đã xuất hiện ở những khu rừng xung quanh Chernobyl sau thảm họa hạt nhân. Vấn đề này làm nảy sinh những giả thuyết 'không tưởng' về nhà máy hạt nhân bí mật và tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh chở nguyên liệu hạt nhân.
Nhưng giả thuyết này không thuyết phục vì cho đến nay xung quanh khu vực không có mảnh vụn sao băng hoặc xác kim loại được phát hiện dưới gò.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích khác có khả năng hơn so với trước kia. Họ cho rằng đó có thể là một ngọn núi lửa khí. Gò đất hình thành do sự giải phóng một số chất dưới lòng đất như hydro. Hơi nóng đi kèm dòng khí lỏng phun ra đã tạo nên những thay đổi trong kích thước vòng cây.
Alexander Pospeev, một tiến sĩ khoa học địa chất cho biết: "Chúng tôi chưa phát hiện chính xác được nguồn gốc của miệng núi lửa nhưng có thể nói chắc chắn rằng nó có nguồn gốc từ Trái Đất".