Trong một căn hầm mộ lạnh lẽo ở Sicily, một thi thể bé gái 2 tuổi được bảo quản cực kì tốt từ tận năm 1920 khiến cho ai nhìn cũng cảm tưởng như bé gái đang trong một giấc ngủ say. Tuy nhiên, đó chưa phải là phần ma quái nhất. Nếu bạn đứng đó đủ lâu, bạn có thể sẽ thấy mắt của cô bé mở ra và lại nhắm lại.
"Thiên thần say ngủ"
Cô bé đó là Rosalía Lombardo. Cô bé chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng kì lạ. Được biết, Rosalia là con gái của một quan chức thành phố đến từ Palermo, Ý.
Cô bé qua đời vào năm 2 tuổi vì bệnh viêm phổi. Cha của Rosalia, ông Mario Lombardo đã quá đau buồn trước sự ra đi của con gái bé nhỏ nên đã liên lạc với người ướp xác huyền thoại Alfredo Salafia với hi vọng có thể bảo quản xác của con gái vĩnh viễn.
Với tài ướp xác của Alfredo, ngày hôm nay, trông Rosalia như thể đang ngủ một giấc ngủ say.
Mái tóc vàng mềm mại được buộc gọn gàng bằng một chiếc nơ lụa lớn, vài lọn xoăn nhỏ hoàn hảo rủ trên trán, làn da mịn màng trắng như sứ và ám ảnh nhất là đôi mắt màu xanh pha lê có thể được nhìn thấy bên dưới hàng mi cong dài khiến cho cô bé được mệnh danh là "thiên thần say ngủ".
Không ít người, kể cả là các nhà khoa học vẫn không thể hiểu tại sao gần 1 thế kỉ trôi qua mà xác của cô bé 2 tuổi vẫn còn gần như nguyên vẹn. Và đến năm 2009, bí ẩn cuối cùng đã được giải đáp.
Công thức bí mật của quá trình ướp xác
Khi Salafia qua đời vào năm 1933, ông đã mang công thức bí mật xuống mồ. Năm 2009, nhà nhân chủng học Dario Piombino-Mascali đã lần theo dấu vết của những người thân còn sống của người ướp xác và phát hiện ra một kho giấy tờ của ông.
Trong số các tài liệu, Mascali tình cờ đọc được một cuốn hồi ký viết tay, trong đó Salafia đã ghi lại các hóa chất mà ông đã tiêm vào cơ thể Rosalia, bao gồm: formalin, muối kẽm, rượu, axit salicylic và glycerin.
Formalin, hiện được sử dụng rộng rãi trong việc ướp xác, là hỗn hợp của formaldehyd và nước giúp loại bỏ vi khuẩn. Salafia là một trong những người đầu tiên sử dụng hóa chất này để ướp xác.
Rượu, cùng với khí hậu khô trong hầm mộ, làm khô cơ thể của Rosalia Oliverardo. Glycerin giữ cho cơ thể cô bé không bị khô quá nhiều và axit salicylic ngăn chặn sự phát triển của nấm.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là muối kẽm, theo Melissa Johnson Williams, giám đốc điều hành của Hiệp hội Embalmer Mỹ.
Muối kẽm đóng vai trò cốt yếu để duy trì trạng thái bảo quản hoàn hảo của xác ướp. Kẽm, một hóa chất không còn được sử dụng trong việc ướp xác đã làm hóa đá cơ thể nhỏ bé của Rosalia. Ông Williams cũng cho biết quá trình ướp xác này rất đơn giản, chỉ cần một mũi tiêm duy nhất.
Ngoài ra, Rosalia cũng được đặt trong một hộp kính. Thành phần của nó được thiết kế để chặn các loại vi khuẩn hay nấm. Nhờ một tấm phim đặc biệt, xác ướp cũng được bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng.
Bí ẩn về cái chớp mắt của "thiên thần say ngủ"
Một cô bé 2 tuổi được bảo tồn hoàn hảo qua mọi thời đại là điều khá đáng sợ. Nhưng điều làm cho cơ thể của Rosalia trở nên phi thường là việc cô bé thỉnh thoảng có nháy mắt nếu bạn đứng và nhìn cô bé một hồi lâu.
Cái nhìn của Rosalia đã thúc đẩy truyền thuyết của Sicilia trong hàng trăm năm qua. Cô bé là một trong 8000 xác ướp trong hầm mộ bên dưới tu viện Capuchin ở Palermo, Sicily. Trong nhiều báo cáo của hàng ngàn khách du lịch đổ xô đến xem cô bé tóc vàng, nhiều người đã chứng kiến đôi mắt cô mở ra từ từ.
Nhiều người đã tạo dựng nên những câu chuyện kì bí xung quanh việc này. Tuy nhiên, thoe ông Dario Piombino-Mascali, đó chỉ là một ảo ảnh quang học được tạo ra bởi ánh sáng mặt trời xuyên qua hộp kính được chế tạo đặc biệt cho Rosalia.