Nhiễm độc thủy ngân là một dạng ngộ độc kim loại do tiếp xúc với thủy ngân gây ra nhiều tác dụng đối với hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch con người, thậm chí gây ra nhiều tai nạn kinh hoàng. Các nhà khoa học gần đây đã tìm thấy bằng chứng lâu đời nhất về tình trạng nhiễm độc thủy ngân ở người.
Lượng thủy ngân cao bất thường đã được tìm thấy trong xương người sống cách đây khoảng 5.000 năm ở một số khu vực tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Có khoảng 370 người sống trong thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng muộn được xác định có hàm lượng thủy ngân cao. Được biết, hàm lượng thủy ngân lên tới 400 phần triệu trong một số hài cốt, cao hơn nhiều so với mức 1 hoặc 2 ppm mà WHO quy định là mức bình thường trong tóc của con người.
Nhóm các nhà khoa học tại Đại học bắc Carolina Wilmington cho biết vụ ngộ độc thủy ngân là do họ đã tiếp xúc với chu sa, một khoáng chất thủy ngân sulfua, hình thành tự nhiên ở các khu vực nhiệt và núi lửa trên thế giới.
Khi đập vỡ chu sa, nó biến thành một loại bột màu đỏ rực rỡ. Trong lịch sử, dạng bột đã được sử dụng để sản xuất chất tạo màu trong sơn hoặc là thành phần của một số loại thuốc 'ma thuật'.
Vào thời gian đó, chu sa trở thành chất có tính biểu tượng cao, thậm chí được coi là linh thiêng, người ta săn lùng, buôn bán và sử dụng rộng rãi trong nhiều nghi lễ tâm linh. Một số ngôi mộ, bức tượng trang trí được sơn màu từ chu sa, đôi khi có rải bột lên người chết.
Nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Thủy ngân sulfua được sử dụng nhiều ở Iberia, cũng như nhiều nền văn hóa tiền sử khác trên thế giới. Người xưa dùng chất này trong các nghi lễ liên quan đến việc an táng, chôn cất hoặc dùng như một chất sơn cơ thể hoặc cũng có thể dùng như một loại thuốc chữa bệnh".
Kết quả đưa ra sau khi thu thập bằng chứng, phân tích, nghiên cứu từ 370 cá thể từ 50 ngôi mộ, nằm rải rác trong 23 địa điểm khảo cổ trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo các nhà nghiên cứu, những người chết có thể đã vô tình hít phải hoặc thậm chí nuốt trúng, dẫn đến lượng thủy ngân trong xương của họ cao bất thường.