Hành tìm đi tìm 'báu vật' ở Tây Nguyên
Lớn lên trên vùng đất đỏ Tây Nguyên trong tiếng chiêng Char, tiếng trống H’gơr của buôn làng, niềm đam mê văn hóa truyền thống ngấm vào máu thịt Y Thim lúc nào không hay.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông may mắn được các nghệ nhân dạy cách chơi nhạc cụ và truyền dạy cách chế tác chiêng K’ram (chiêng tre), đàn T’rưng, đinh buốt, sáo, đinh năm…
Y Thim kể: “Gần 20 năm trước, khi còn làm cán bộ ở xã Cư Êbua, tôi thấy ở một số buôn làng, bà con bị bọn xấu lừa mà vứt bỏ chiêng, ché.
Nhiều đồ vật cổ bị bán cho đồng nát, mất hết giá trị. Những thanh niên trong làng không còn mê chiêng, mê tiếng sáo của ông bà để lại nữa”.
Bộ siêu tập những vật của người đồng bào ở thời xưa.
Là người được tiếp xúc nhiều với những kiến thức sách vở, cùng với kinh nghiệm trong quá trình công tác, Y Thim hiểu rằng đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý báu mà chúng ta cần gìn giữ.
Nghĩ vậy nên ông bắt tay ngay vào công việc sưu tầm các loại nhạc cụ và tất cả những đồ vật liên quan đến đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào Ê đê, M’nông, Ja rai.
Cứ nghe ở buôn làng nào có cái ché Túk, ché Tang, cái trống H’gơr bị người ta vứt bỏ, hoặc cái ghế Kpan không còn dùng đến là Y Thim đến tận nơi tìm cách mang về nhà mình bằng mọi giá.
Có những cái người ta vứt bỏ ngoài rẫy cà phê, ngoài bờ rào, Y Thim bỏ công nhặt về. Còn có những vật dụng, nhạc cụ, Y Thim phải đổi bằng mấy tạ cà phê nhân hoặc hàng chục triệu đồng mới được người ta đồng ý bán cho.
Một bảo tàng thu nhỏ để lưu giữ các vật dụng của người đồng bào ở Tây Nguyên.
Đến nay, sau gần 20 năm miệt mài sưu tầm, ông đã sở hữu 20 bộ cồng chiêng cổ của các dân tộc Ê đê, Ja rai, Ba na, M’nông; hàng chục ghế Kpan, hàng trăm vật dụng, và đồ trang sức; dụng cụ săn bắt voi của vua A Makông; các bộ nhạc cụ dân tộc; 40 ché Túk, ché Tang quý…
Với bộ sưu tập đồ sộ như vậy, Y Thim được biết đến là người có nhiều chiêng, ché nhất Buôn Ma Thuột.
Trong đó, quý hiếm nhất là bộ 10 chiêng cổ bằng đồng pha vàng có tên chiêng Lào. Bộ chiêng này có giá trị bằng 20 bộ chiêng Việt.
“Năm 1995, nghe nói ở Buôn Đôn có gia đình sở hữu bộ chiêng quý, tôi tìm đến xem. Thấy bộ chiêng, tôi mê quá nhưng gia chủ nhất định không bán.
Về sau, gia chủ biết tôi là người say mê chiêng trống nên đã tìm đến nhà đổi lấy 3 cây vàng” Y Thim kể lại
Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống
Y Thim không muốn những đồ vật mình sưu tầm chỉ dùng để nhìn xem, trưng bày, mà ông còn muốn chúng được sử dụng “sống”. Những đồ vật ấy phải tham gia vào chính những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của buôn làng mình.
Du khách ở khắp mọi miền về chiêm ngưỡng khu lưu giữ đồ vật nhà ông Y Thim.
Chỉ vào chiếc trống cổ nằm cũ mốc trên giá, ông cho biết: “Chiếc trống này không chỉ dùng để trưng bày mà nó đã được gia đình sử dụng cho nhiều dịp trọng đại. Mặt chiếc trống có một lớp dày tiết heo dính vào là biết trống đã tham gia vào bao nhiêu mùa cúng rồi đấy”.
Bên cạnh đó, Y Thim còn thành lập đội cồng chiêng gia đình, Đội diễn cồng chiêng của ông đi biểu diễn ở nhiều chương trình văn hóa lớn của tỉnh và khắp nơi trong cả nước.
Ngôi nhà sàn rộng gần 150 m2 của Y Thim giờ đây vừa làm nơi trưng bày những “sản vật” quý của ông, vừa trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng của buôn Ea Bông.
Y Thim cùng với chiếc chiêng đã gìn giữ từ lâu.
Ông cùng với nhiều bà con trong buôn thường xuyên tổ chức những lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca…
Lòng đam mê văn hóa truyền thống Tây Nguyên của Y Thim đã truyền lại cho các con của mình và cả những người đồng bào dân tộc nơi ông sinh sống.
Y Thim mong muốn con cháu, thế hệ sau phải luôn nhớ tới và phát huy những truyền thống của buôn bản mình, để không mất đi bản sắc vốn có, những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công xây dựng và gìn giữ.