Sau khi Gia Cát Lượng mất, được hậu chủ Lưu Thiện phong là Trung Vũ Hầu nên mộ của Gia Cát Lượng còn được gọi là mộ Vũ Hầu.
Mộ của Gia Cát Lượng hiện được đặt tại khu vực núi Định Quân, huyện Miễn, thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Khu vực này còn được gọi là khu di tích Vũ Hầu mộ. Nhưng bất ngờ hơn, cách ngôi mộ Gia Cát Lượng bề thế đó khoảng 100m về hướng Tây Nam, cùng nằm trong khuôn viên di tích, xuất hiện một đình nghỉ mát nằm dưới chân núi.
Trong đình này có lập một tấm bia với dòng chữ "Hán Thừa tướng Gia Cát Lượng Vũ Hầu chi chân mộ" tức mộ thật của Vũ Hầu Gia Cát Lượng Thừa tướng nhà Thục Hán.
Trong cùng một khu di tích - nơi mỗi ngày đón hàng ngàn lượt du khách tới thăm viếng - lại xuất hiện tới hai ngôi mộ. Vậy đâu mới là mộ thật của Gia Cát Lượng?
Các giai thoại về việc an táng Gia Cát Lượng
Hiện nay tại Trung Quốc có hai giai thoại được lưu truyền rộng rãi nhất về việc chôn cất Gia Cát Lượng.
Gia thoại thứ nhất kể rằng, trong những giây phút cuối đời, Gia Cát Lượng đã lên kế hoạch xây mộ cho mình. Ông biết Thục Hán không còn tồn tại được lâu và sẽ bị nước Ngụy tiêu diệt. Hơn nữa, ông và Tư Mã Ý đối đầu nhiều năm, thâm thù kết sau nên Tư Mã Ý có thể sẽ phát hiện và phá mộ khiến ông nhắm mắt vẫn không yên.
Vì vậy, ông trực tiếp mật tấu lên hậu chủ Lưu Thiện với nội dung: "Nếu thần nhắm mắt, xin không tổ chức tang lễ long trọng, không chọn đất hậu táng, chỉ cần đặt thần vào quan tài gỗ, dùng dây thừng và đòn khiên mới, khiêng quan tài về hướng Nam không nghỉ, dây thừng đứt ỏ đâu thì lập mộ thần ở đó".
Trước khi mất, Gia Cát Lượng đã mật tấu lên hậu chủ Lưu Thiên, yêu cầu không tổ chức long trọng tang lễ cho ông. Ảnh minh họa
Sau đó, Gia Cát Lượng lại công khai tuyên bố, sau khi chết nhất định sẽ lập mộ ở núi Định Quân, cho nên sau khi ông mất, các thuộc hạ đã tổ chức hậu sự long trọng ở núi Định Quân nhằm đánh lạc hướng thiên hạ. Còn thực tế, Lưu Thiện từ sớm đã thực hiện di nguyện của Gia Cát Lượng, âm thầm cử bốn tráng sĩ khiêng quan tài của ông di chuyển về phía Nam.
Tuy nhiên, bốn tráng sĩ di chuyển ngày đêm đến kiệt sức mà dây thừng buộc quan tài của Gia Cát Lượng vẫn chưa đứt nên đã thương lượng với nhau tìm một khu đất trống, chôn quan tài xuống. Sau khi chôn cất, bốn người lính vội vã trở về kinh lĩnh thưởng.
Hành động nhanh gọn của bốn người lính đương nhiên dấy lên sự nghi ngờ của Lưu Thiện, bởi ông cho rằng, dây và đòn khiên đều mới thì không thể dễ dàng đứt gánh chỉ trong vài ngày nên hạ lệnh thẩm vấn bốn binh sĩ kia.
Sự việc bị bại lộ, bốn người lính bị trảm vì tội khi quân và kể từ đó, không ai biết mộ thật của Gia Cát Lượng ở đâu.
Ngoài ra, còn giai thoại thứ hai. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện vô cùng đau buồn nên tìm 77 người để xây mộ cho Gia Cát Lượng, cùng một đầu bếp chuyên phục vụ cho 77 người này.
Trong đó, tiền công xây mộ được đặt chung trong một chiếc rương. Theo lệnh của Lưu Thiện, đợi mộ hoàn tất, mới có thể mở chiếc rương này. Nhưng một ngày trước ngày hoàn thành mộ, một người trong 78 người này không nén nổi sự tò mò nên đã mở chiếc rương ra xem. Phát hiện, trong rương có 77 thỏi vàng.
Tuy nhiên, 77 thỏi không thể chia đều cho 78 người, bao gồm đầu bếp. Trong hoàn cảnh đó, tất cả đều tán thành chủ trương giết chết đầu bếp. Liền sau đó, nhóm người này xông vào phòng bếp và thực hiện thành công kế hoạch.
Vừa hay, khi bị giết, người đầu bếp cũng đã chuẩn bị xong tiệc rượu. 77 người quyết định mở tiệc chia công. Bất ngờ thay, dùng xong bữa cũng là lúc 77 người này mất mạng. Hóa ra, trước đó, người đầu bếp đã hạ độc vào thức ăn nhằm độc chiếm rương vàng kia. Và như thế, nơi yên nghỉ thực sự của Gia Cát Lượng trở thành câu đố ngàn năm.
Về các giai thoại trên, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa Tam Quốc Học viện công trình tỉnh Thiểm Tây Lôi Dũng cho rằng: "Những giai thoại này thực tế đều thiếu cơ sở tin cậy, tài liệu lịch sử ghi chép rất rõ ràng về ngôi mộ của Gia Cát Lượng".
Tam Quốc Chí - Gia Cát Lượng truyện viết: "Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt nhiều năm nên sức khỏe hao mòn, lâu ngày thành bệnh và mất ở thị trấn Ngũ Trượng Nguyên, huyện Kỳ Sơn, Bảo Kê, Thiểm Tây, hưởng thọ 54 tuổi".
Mộ Gia Cát Lượng được đặt trong khuôn viên di tích mộ Vũ Hầu tại huyện Miễn, Thiểm Tây. Ảnh minh họa
Cũng theo Tam Quốc chí, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn thuộc hạ tìm một huyệt mộ có thể đặt quan tài ở bên núi, khi hạ táng nên để thi thể ông vẫn chỉ mặc trang phục như ngày thường, không chôn theo bất cứ đồ tùy táng nào.
Như vậy, vị trí này chính là mộ Vũ Hầu mộ ngày nay và có thể khẳng định, mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở khu di tích Vũ Hầu là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, cùng một khu di tích lại xuất hiện hai ngôi mộ của Gia Cát Lượng.
Tại sao lại xuất hiện 2 ngôi mộ Gia Cát Lượng ở cùng một địa điểm?
Bên cạnh mộ Vũ Hầu, huyện Miễn còn dựng đền Vũ Hầu để người dân có thể chiếm bái nhà chính trị gia nổi tiếng thời Tam Quốc. Tại đền Vũ Hầu có bức hoành phi ca ngợi công trạng của Gia Cát Lượng do chính hoàng đề Gia Khánh nhà Thanh ngự bút đề tên. Đây cũng là bức hoành phi duy nhất trong vô số các bức hoành phi ở đền Vũ Hầu có dấu tích của hoàng đế.
Vì sao hoàng đế nhà Thanh lại đề bút ca ngợi Gia Cát Lượng ở thời Tam Quốc? Điều này có liên quan gì đến hai ngôi mộ ở khu di tích lăng mộ Gia Cát Lượng?
Câu chuyện này bắt nguồn từ khởi nghĩa Bạch Liên Giáo cách đây hơn 200 năm. Đây là cuộc nổi dậy chống lại chính quyền nhà Thanh nổ ra dưới thời Gia Khánh, diễn ra ở khu vực Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam Trung Quốc ngày nay.
Đáng chú ý là, đội quân của Bạch Liên Giáo không thể chiếm thế thượng phong trước quân đội triều đình nhà Thanh ở huyện Miễn, Thiểm Tây.
Bà Quách Mạn, Chủ nhiệm Ban Tuyên giáo thuộc Bảo tàng đền Vũ Hầu huyện Miễn, Hán Trung cho biết: "Một hiện tượng đáng ngạc nhiên đã xảy ra, Bạch Liên Giáo đã nhiều lần tấn công vào huyện Miễn nhưng đều không thành công.
Bởi đánh vào huyện Miễn, đội quân này phải di chuyển qua núi Định Quân nhưng bất cứ thời điểm nào họ cũng đều phát hiện thấy trên đỉnh núi phấp phới cờ phướn nên cho rằng có quân triều đình mai phục. Ngày hôm sau, Bạch Liên Giáo cho người đi dò la dân chúng thì người dân kể rằng do Gia Cát Lượng hiển linh".
Thông tin Gia Cát Lượng hiển linh vì thế rất nhanh được truyền đến tai hoàng đế Gia Khánh. Vừa nghe tin, Gia Khánh vô cùng vui mừng nên đã ban vàng bạc cho huyện Miễn và tặng hoành phi cho đền Vũ Hầu.
Thời điểm này, Tùng Quân là Tổng đốc Thiểm Cam tuy được triều đình ban thưởng nhưng lại không tỏ ra vui mừng mà vô cùng bình tĩnh bởi điều này đã nằm trong tính toán của ông.
Tấm bia đề Hán Thừa tướng Gia Cát Lượng Vũ Hầu chi chân mộ xuất hiện cách ngôi mộ cũ khoảng 100m. Ảnh cắt từ màn hình
Hóa ra, chuyện Gia Cát Lượng hiển linh do ông nghĩ ra nhằm che mắt hoàng đế bởi khi đó, Tùng Quân dẫn binh đánh Bạch Liên Giáo nhưng hầu hết đều thất bại, sợ hoàng đế trách tội nên đã tung tin đồn về sự hiển linh của Gia Cát Lượng khiến Bạch Liên Giáo không đánh mà lui. Không ngờ hoàng đế nhà Thanh tin vào tin đồn này và còn thưởng lớn.
Vụ việc 2 ngôi mộ giả thật của Gia Cát Lượng cũng do Tùng Quân lên kế hoạch. Đó là vào năm Gia Khánh thứ 4, khi dẫn binh đi đánh Bạch Liên Giáo, ông đã đi qua mộ Vũ Hầu, khẩn cầu Gia Cát Lượng giúp đỡ đánh thắng trận. Và cũng trong chuyến thăm viếng này, ông đã phát hiện ra một điều đặc biệt.
"Di nguyện của Gia Cát Lượng được an táng bên núi, tức sát dưới chân núi Định Quân nhưng ngôi mộ Gia Cát Lượng khi đó lại nằm cách chân núi Định Quân hơn nữa lại rất bề thế. Do đó, Tùng Quân nghi ngờ rằng, ngôi mộ nằm trên đất bằng kia không phải là mộ thật của Gia Cát Lượng", ông Lôi Dũng nói.
Được biết, quan điểm của Tùng Quân nhận được sự ủng hộ của một cấp dưới tên Đàm Nam Cung. Đàm Nam Cung cho rằng, ngôi mộ trên đất bằng của Gia Cát Lượng được đặt ở nơi có phong thủy không tốt và nhận định, mộ của Gia Cát Lượng nên đặt ở nơi có phong thủy tốt hơn đó là chân núi.
Sau đó rất nhanh, Tùng Quân quyết định dựng một ngôi mộ mới cho Gia Cát Lượng ở dưới chân núi.
"Tùng Quân đã lệnh cho Tri huyện huyện Miễn là Mã Duẫn Cương nội trong một tháng phải dựng một ngôi mộ mới ở góc Tây Nam mộ cũ Gia Cát Lượng", bà Lương Yến, Cán bộ bảo tàng mộ Vũ Hầu huyện Miễn cho biết.
Như vậy, cách ngôi mộ cũ khoảng 100m xuất hiện thêm một ngôi mộ Gia Cát Lượng mới. Sự việc càng trở nên huyền bí hơn khi 100 năm sau vào thời Dân quốc, một viên quan địa phương đến huyện Miễn. Ông này không chỉ tán thành cách làm của Tùng Quân mà còn cho dựng một tấm bia trước ngôi mộ mới của Gia Cát Lượng, chính là bia đá mà người ngày nay thường thấy với dòng chữ "Hán Thừa tướng Gia Cát Lượng Vũ Hầu chi chân mộ".
Lời giải đáp từ bức họa hơn 200 năm tuổi
Lời giải về mộ thật mộ giả của Gia Cát Lượng được các chuyên gia phát hiện khi tìm thấy bức vẽ của một đạo sĩ có tên là Lý Phục Tâm. Vào hơn 200 năm trước dưới thời Gia Khánh, khi Vũ Hầu mộ vẫn còn là một đạo quán. Đứng đầu đạo quán này là Lý Phục Tâm, người vô cùng sùng bái Gia Cát Lượng.
Theo bà Lý Yến, Lý Phục Tâm vô cũng bất mãn khi chứng kiến việc làm của Tổng đốc Tùng Quân về ngôi mộ của Gia Cát Lượng nhưng ông không thể đứng ra chỉ sai do áp lực từ quan phủ. Do đó, ông đã làm theo cách riêng của mình, bằng cách soạn cuốn sách mang tên Trung Vũ Hầu từ mộ chí.
Đáng chú ý, nhằm để tránh bị phát hiện việc tiết lộ sự thật, Lý Phục Tâm đã dùng hình thức hội họa vẽ lại cảnh quan mộ Vũ Hầu thời điểm trước khi Tùng Quân tới.
Hình ảnh đình nghỉ mát (bên trên) được vẽ trong Trung Vũ Hầu từ mộ chí không xuất hiện bất cứ tấm bia mộ nào.
Hình ảnh so sánh cho thấy, đình nghỉ mát nơi đặt "tấm bia mộ thật" hoàn toàn trống rỗng trước khi Tùng Quân tới. Trái lại, ngôi mộ lớn vốn có được ông vẽ lại vô cùng cẩn thận, thậm chí số lượng cây xanh xung quanh ngôi mộ cũng được ông vẽ lại đầy đủ.
Theo các cán bộ Bảo tàng mộ Vũ Hầu huyện Miễn, mục đích chính của ông là nhắn nhủ người đời sau rằng, ngôi mộ trong đình nghỉ mát là giả. Còn ngôi mộ thật sự của Gia Cát Lượng chính là ngôi mộ được bao quanh bởi nhiều cây xanh kia.
Bà Quách Mạn chia sẻ, số cây được trồng ở mộ và đền Vũ Hầu là cùng một năm với 54 cây tùng ở khu mộ và 64 cây tùng ở đền Vũ Hầu. 54 là tuổi thọ của Gia Cát Lượng, 64 là để kỷ niệm bát trận đồ của Gia Cát Lượng.
Đương nhiên, cùng với sự thay đổi của lịch sử, 54 cây tùng ở mộ Vũ Hầu hiện nay chỉ còn 22 cây. Vào năm 1979, các chuyên gia của Học viên lâm nông Bắc Kinh đã tiến hành giám định tuổi thọ của số cây này và phát hiện chúng đều được trồng từ thời Tam Quốc, cách ngày nay hơn 1700 năm lịch sử.