Bí ẩn về hồ nước nhờn như dầu mỡ, không ai dám tới gần

Minh Hoa (t/h) |

Nước trong vũng Gaet'ale bão hòa với muối sắt đến mức khiến người đụng vào có cảm giác nhờn trên tay, như thể chúng là dầu mỡ chứ không phải nước mặn.

Nằm gần miệng núi lửa Dallol ở vùng Danakil Depression (Ethiopia) có một hồ nước siêu mặn, được đặt tên là vũng Gaet'ale.

Hồ này có độ mặn 43%, là vùng nước mặn nhất trên Trái Đất. Để dễ hình dung, Biển Chết là vùng nước siêu kiềm nổi tiếng nhất thế giới có độ mặn là 33,7%, trong khi các đại dương trên thế giới có độ mặn trung bình chỉ là 3,5%.

Bí ẩn về hồ nước nhờn như dầu mỡ, không ai dám tới gần - Ảnh 1.

Hồ nước siêu mặn ở Ethiopia.

Nước trong vũng bão hòa với muối sắt đến mức có cảm giác nhờn trên đầu ngón tay nếu chạm vào, như thể chúng là dầu mỡ chứ không phải nước mặn. Vì đặc điểm này, nhiều người dân bản địa gọi nó là "hồ dầu".

Một số người khác lại gọi là "hồ sát thủ", chủ yếu do lượng khí độc hại thải ra qua bề mặt nước, khiến bất kỳ loài động vật nào tới gần cũng gặp nguy hiểm.

Ngay cả các loài vi sinh vật cũng khó tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Bằng chứng là xác chim, côn trùng bị chết nổi trên mặt nước được bảo quản hoàn hảo tới mức nguyên vẹn.

Do đó các chuyên gia cảnh báo mọi người nên thận trọng khi đi xung quanh ao nước siêu mặn Gaet'ale. Mức độ khí độc, CO2 tạo ra từ núi lửa đôi khi đủ mạnh để khiến một người trưởng thành choáng váng, ngất xỉu, đặc biệt là ở những khu vực gần bề mặt, nơi khí có xu hướng tích tụ lâu ngày.

Những con chim vốn có thể uống được nước siêu mặn nhưng cũng thiệt mạng ở vùng nước này vì khí CO2. Xác của chúng được bảo quản tốt trong hồ nước mặn. Những xác chim đã chết từ lâu, xung quanh cơ thể có một phần muối bao bọc.

Không ai biết chính xác vũng Gaet'ale bao nhiêu tuổi, hình thành từ năm nào. Chỉ biết rằng theo hình ảnh vệ tinh Landsat chụp ngày 6/2/2003, hồ này tồn tại ở dạng gần giống hình bán nguyệt, có đường kính khoảng 60m.

Người dân địa phương cho biết, trận động đất diễn ra vào tháng 1/2005 đã kích hoạt lại các dòng suối núi lửa và liên tục cung cấp nước cực mặn cho vũng. Kết quả là kích thước của nó ngày một lớn hơn.

Điều kiện tự nhiên độc đáo biến nơi đây trở thành một điểm thu hút khách du lịch địa chất. Nhiều người hiếu kỳ còn muốn thử xuống tắm. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng chớ nên dại dột làm điều này. Hồ chứa cực kỳ nhiều axit với độ pH từ 3,5 đến 4, bên cạnh đó, nhiệt độ của hồ dao động ở khoảng 50 - 55 độ C, có thể khiến những người tiếp xúc lâu bị bỏng và viêm da.

Khu vực mặn thứ hai trên thế giới là hồ Don Juan ở Nam Cực với độ mặn là 33,8%, được phát hiện vào năm 1961. Vì độ mặn lớn nên nước trong hồ có thể duy trì ở trạng thái lỏng ngay cả ở nhiệt độ thấp tới âm 50 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại