Candida auris là một chủng siêu nấm kháng thuốc, một nỗi ác mộng thường chỉ được tìm thấy trong bệnh viện. Nhưng bây giờ, các nhà khoa học còn phát hiện ra nó ở một hòn đảo xa xôi, nơi có một bãi cát vàng hòa lẫn vào biển xanh và gần như không có người ở.
Phát hiện này đánh dấu lần đầu tiên một siêu nấm kháng thuốc được tìm thấy trong môi trường tự nhiên hoang dã. "Đó là một bí ẩn y học, chúng đã đến đây từ đâu?", Tiến sĩ Arturo Casadevall, trưởng khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết.
Trả lời câu hỏi này là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các nhà khoa học. Và dường như, chuyến nghỉ mát của những mầm bệnh này không phải tin vui dành cho loài người.
Siêu nấm kháng thuốc trên đảo hoang
Năm 2009, lần đầu tiên Candida auris được phát hiện trên người một bệnh nhân Nhật Bản. Rất nhanh chóng, nó đã lây lan ra toàn thế giới và có mặt trên 3 lục địa.
Siêu nấm này có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng máu nghiêm trọng, nhất là đối với các bệnh nhân cần đặt ống thông, ống thở hoặc ống cho ăn. Chúng cũng có thể tấn công vào hệ thần kinh trung ương, thận, gan, xương, khớp và kể cả mắt của người bệnh.
Là một chủng kháng thuốc mạnh, bệnh nhân nhiễm nấm Candida auris rất khó điều trị. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Thêm vào đó là khả năng tồn tại lâu dài trên các bề mặt, "một khi Candida auris lẻn được vào bên trong bệnh viện, nó sẽ gây ra một cơn ác mộng", tiến sĩ Casadevall cho biết.
Năm 2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã xếp Candida auris là vào nhóm "các mối đe dọa" cho sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù có họ hàng với một số loài nấm được tìm thấy trên thực vật và trong môi trường biển, Candida auris chưa bao giờ từng được xác định và phân lập trong môi trường tự nhiên. Nhưng trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí mBio của Hiệp hội Vi sinh vật học Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã lần đầu tiên làm được điều đó.
Nghiên cứu được thực hiện tại Andaman, một hòn đảo xa xôi nằm giữa Ấn Độ và Myanmar. Tại đây, tiến sĩ Casadevall đã hợp tác với bác sĩ Anuradha Chowdhary đến từ Đại học Delhi, Ấn Độ để thu thập mẫu đất và nước tại 8 địa điểm khác nhau.
Hai trong số các mẫu phẩm được thu thập tại một đầm lầy ngập mặn, nơi chưa có ai từng đặt chân tới, và một bãi biển có nhiều hoạt động của con người hơn, cho thấy sự xuất hiện của Candida auris.
Bác sĩ Chowdhary cho biết chủng nấm được phát hiện trên bãi biển là chủng đa kháng thuốc, có họ hàng gần với những chủng Candida auris kháng thuốc trong bệnh viện hơn so với chủng tìm thấy trong đầm lầy.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một chủng nấm đa kháng thuốc trong bệnh viện như Candida auris lại có mặt ở hòn đảo hoang vu này?
Biến đổi khí hậu và nguy cơ xuất hiện nhiều mầm bệnh mới
Chúng ta biết thân nhiệt của con người duy trì ở khoảng trung bình 37 độ C. Trước đây, nó là một nhiệt độ quá nóng để nấm có thể tồn tại và phát triển. Nhiệt độ của môi trường bên ngoài, ngay cả trên một bãi biển nhiệt đới đầy nắng cũng dễ chịu hơn nhiều đối với các loài nấm như Candida auris.
Do đó, tiến sĩ Casadevall đã đặt ra một giả thuyết cho rằng loài nấm này thực ra đã sống ở ngoài tự nhiên, trong các môi trường mát mẻ như đầm lầy. Nhưng biến đổi khí hậu đã khiến các đầm lầy ấm lên và có nhiệt độ gần với ngưỡng thân nhiệt con người.
Kể từ đó, Candida auris bắt đầu tìm được con đường xâm nhập cơ thể con người, đi vào bên trong các nhà dưỡng lão, bệnh viện và các khoa chăm sóc đặc biệt ICU. Bản thân loài siêu nấm này bên ngoài tự nhiên đã kháng được thuốc kháng nấm của con người, một phần do sự sử dụng rộng rãi của các loại thuốc này trong nông nghiệp.
Kết quả là khi lây nhiễm được vào bên trong các bệnh viện, chúng càng trở thành cơn ác mộng đối với bệnh nhân và cả các bác sĩ.
Giả thuyết của tiến sĩ Casadevall đã được ủng hộ bởi kết quả nghiên cứu mới. Trong đó, ông phân lập được một chủng Candida auris trong đầm lầy không kháng thuốc và bị ức chế ở nhiệt độ cao. Phát hiện này cho thấy rằng chủng Candida auris này có thể là một chủng thuần tự nhiên "hoang dã", một chủng chưa thích nghi được với nhiệt độ cơ thể cao của con người và các động vật có vú khác, tiến sĩ Casadevall giải thích.
Tuy nhiên, nghiên cứu không chứng minh được Candida auris tự nhiên có nguồn gốc trên quần đảo Andaman. Có thể loài siêu nấm này cũng có mặt ở các khu vực tự nhiên khác trên thế giới. Cũng có thể chính con người đã đưa nấm Candida auris tới hòn đảo này, bởi bãi biển ở Andaman vẫn thường có nhiều người ghé tới.
Một số giả thuyết cũng cho rằng siêu nấm có thể đã đi theo các dòng hải lưu tới được đây. Trước đó, chúng được phát tán từ các ống cống ở bờ biển, nơi chất thải của con người đổ vào nước.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, phát hiện mới lần đầu tiên về chủng nấm Candida auris hoang dã này cũng sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu về nó. Một nhánh nghiên cứu sẽ thuộc về các nhà môi trường học, để tìm hiểu quá trình xuất hiện, thích nghi của siêu nấm Candida auris với biến đổi khí hậu.
Nhánh còn lại thuộc về các nhà vi sinh vật học, bệnh học và các bác sĩ, trong đó, họ phải sàng lọc một loạt các loài nấm, vi khuẩn và virus thường sống ở ngoài tự nhiên có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt con người. Bởi bất kỳ một loài nào trong số đó cũng có thể trở thành một mầm bệnh tương lai, khi Trái Đất tiếp tục nóng lên.
Có hằng hà sa số các mầm bệnh khác có thể tạo ra một bước nhảy vọt tương tự như Candida auris, tiến sĩ Casadevall lưu ý. "Nếu ý tưởng này được xác thực… chúng ta cần bắt tay vào việc thống kê chúng để không bị bất ngờ trong tương lai".
Tham khảo Livescience