Hầu hết các nhà đầu tư phố Wall đều từng ít nhất một lần đặt câu hỏi về thành công của Quỹ Medallion – đứng sau bởi Tập đoàn quản lý quỹ phòng hộ Renaissance Technologies. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai biết được câu trả lời chính xác mà chỉ gọi đó là "cỗ máy in tiền" bất chấp khủng hoảng ở phố Wall.
Trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ năm 1988 đến nay, Renaissance Technologies đã tạo ra lợi nhuận trước thuế hàng năm đạt mức trung bình gần 70% mà chưa từng thua lỗ năm nào. Nếu xét về lợi nhuận sau thuế, công ty này có duy nhất một năm thua lỗ nhưng chưa tới 1%.
Trong cuốn sách "The Man Who Solved the Market" (Người đàn ông đánh bại mọi thị trường) của tác giả Gregory Zuckerman, câu chuyện về Renaissance và nhà sáng lập đầy bí ẩn Jim Simons mới được hé lộ phần nào.
Simons xuất thân từ một nhà toán học người Mỹ gốc Do Thái và từng đạt rất nhiều giải thưởng danh giá trong nghiên cứu Toán học trước khi lấn sân sang lĩnh vực quản lý tài chính.
Nhà sáng lập Renaissance Technologies và Quỹ Medallion – Jim Simons
Suốt hơn 30 năm qua, Simons và đội ngũ nhân viên của ông bao gồm hàng chục giáo sư Toán học đã góp phần tạo nên một "cỗ máy kiến tiền" dựa trên vi lượng tử và hệ thống máy tính hiện đại. Tuy nhiên, cách thức mà họ thực hiện vẫn là một điều bí ẩn với tất cả các nhà đầu tư phố Wall và cả những người am hiểu thị trường khác.
Dựa trên những dữ liệu phân tích về hoạt động của Renaissance Technologies, các chuyên gia kinh tế Bloomberg nhận định rằng quỹ Medallion đã có những đột phá lớn trong cách thức hoạt động.
Trong giai đoạn từ 1990 đến năm 2000, quỹ này đạt mức tăng trưởng ấn tượng đến mức nhiều nhà đầu tư ví von rằng "cỗ máy sinh lời" như Tập đoàn Berkshire của tỷ phú Warren Buffett cũng "chưa là gì".
Tuy nhiên, cũng giống như mọi quỹ phòng hộ khác, quỹ Medallion cũng từng thua lỗ nếu xét theo tháng. Cụ thể trong suốt 120 tháng của giai đoạn đó, quỹ này thua lỗ trong 24 tháng.
Bước sang thập kỷ tiếp theo, thị trường chứng kiến nhiều cơn biến động lớn ảnh hưởng tới các quỹ phòng hộ, trong đó phải kể đến bong bóng dot com, cuộc khủng bố đẫm máu ngày 11/9 hay khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Tuy vậy, trong cả thập kỷ đó, quỹ Medallion chỉ mất tiền đúng 3 tháng với mức thua lỗ hàng tháng chưa tới 1%.
Tính đến tháng 6 năm 2019, quỹ phòng hộ của Renaissance đã huy động số vốn lên tới 65 tỷ USD và trở thành một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới. Quỹ phòng hộ của Simons chiếm khoảng 5% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán hàng ngày, chưa kể tới các nhà đầu tư thường xuyên.
Nếu quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett nổi tiếng với khả năng tạo ra mức sinh lời ổn định khoảng 20%/năm thì đối với quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, mức lợi nhuận ấy cũng chỉ xếp vào "hạng xoàng".
Trong suốt hơn 30 năm hoạt động, ngoại trừ 2 năm đầu có chút chệch choạng vì ban đầu ông Simons tham gia thị trường hàng hóa và dựa trên những nguyên tắc cơ bản cung cầu để đầu tư. Tuy nhiên mô hình này chưa thực sự hiệu quả, thậm chí khiến ông chịu nhiều thất bại và đúc kết được nhiều bài học xương máu.
Sau đó, vị chuyên gia toán học này đã nghiên cứu và phát triển mô hình giải mã và các thuật toán để xây dựng hệ thống phân tích cho mình và kể từ khi đi vào ổn định thì mức sinh lời thấp nhất của quỹ là 21,2%, thậm chí có những năm quỹ này còn đạt mức sinh lợi gần 100%.
Các chuyên gia đã ước tính rằng, nếu bỏ 1.000 USD vào quỹ vào năm 1998 thì đến giữa năm 2016, số tiền này sẽ lên tới 13.830.598 USD – tức là tăng gấp 13.830 lần, tương đương tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 40%.
Từ trước đến nay lợi nhuận của hầu hết các nhà quản lý quỹ đều liên quan đến thị trường mà họ tham gia hoặc những yếu tố tác động đến hiệu suất của thị trường đó. Chẳng hạn như yếu tố "trị giá" sẽ xác định một cổ phiếu đắt hay rẻ hoặc một tài sản lớn hay không.
Khi phân tích các yếu tố liên quan với mức hiệu suất sinh lợi, chúng ta sẽ biết được mối tương quan của chúng, ngay cả với một bậc thầy đầu tư như Warren Buffett – thành công của ông cũng được đóng góp bởi rất nhiều yếu tố.
Một nghiên cứu của Quỹ quản lý vốn AQR Capital Management chỉ ra rằng lợi nhuận của Buffett là sự kết hợp của yếu tố giá trị, độ biến động thấp và tài sản có chất lượng cao.
Tuy nhiên, thành công của Quỹ Medallion dường như lại nằm ngoài những quy luật thông thường – không phải do giá trị, độ biến động thị trường hay các mối tương quan đồng điệu khác.
Theo dõi các hồ sơ đầu tư lớn, người ta thường thấy thành công nào cũng trải qua hàng trăm ngàn thất bại, nhưng với Medallion thì quy luật này không hề đúng.
Năm 2007, khi chiến lược giao dịch của nhiều quỹ định lượng bị mất tiền, vốn hoá của quỹ Medallion cũng bị "thổi bay" 1 tỷ USD – tương đương 1/5 giá trị của nó tại thời điểm đó, theo Bloomberg Markets. Tuy nhiên, người đứng đầu quỹ này vẫn nhất quyết không thay đổi chiến lược và kiên định đi theo mục tiêu đã đặt ra.
Giả sử Medallion vấp ngã ở thời điểm đó, rất có thể công ty này đã bị đè bẹp bởi các đối thủ cạnh tranh. Nhưng không, sự năng nổ trong các hoạt động từ thiện của nhà sáng lập Jim Simons và các hoạt động chính trị đã làm tăng uy tín của công ty trong những năm gần đây.
Và hiển nhiên, "người đàn ông có thể đánh bại mọi thị trường" như Simons sẽ không đứng yên chấp nhận thua lỗ, kể cả lâm vào suy thoái hay khủng hoảng.