Kích thước của các Trovant dao động lớn, từ vài milimet tới những tảng đá lớn tới 10 mét. Ảnh: Whenonearth
Đá là vật vô tri vô giác. Chúng không phải là sinh vật sống. Chúng không có quá trình sinh học, không thể thở, sinh sản hay di chuyển. Ít nhất, đây là điều mà tất cả chúng ta đều đã từng biết.
Tuy nhiên, có một loại đá đặc biệt ở Romania hoàn toàn là một ngoại lệ, chúng có "hành vi" giống như một sinh vật sống. Vào mùa khô, Trovant hoàn toàn bất động và giữ nguyên vị trí mà không thay đổi kích thước. Nhưng khi mùa mưa đến, những viên đá dường như trở nên sống động, bắt đầu tăng kích thước và thậm chí di chuyển.
Loại đá “sống”, được gọi là Trovant này, là một hiện tượng địa chất kỳ thú, được phát hiện trong khu vực ngôi làng nhỏ Costesti của Romania. Nó là một từ đồng nghĩa với thuật ngữ tiếng Đức “Sandsteinkonkretionen”, có nghĩa là Cát kết dính.
Ngay cả bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được chính xác những đặc tính kỳ lạ của các Trovant ở Romania. Tất cả những gì chúng ta biết là có mối liên hệ giữa các quá trình diễn ra trong đá và điều kiện khí tượng.
Những "hòn đá sống' kỳ lạ này được cho là bao gồm một lõi đá với lớp vỏ bên ngoài là cát, và sau một trận mưa lớn, tảng đá lại sinh sôi thêm những hình thù mới trên bề mặt khiến chúng được mệnh danh là "đá đang lớn". Những "tảng đá sống” trông giống hệt nhau và thậm chí còn tự di chuyển giống như những tảng đá trượt ở Thung lũng Chết (bang California, Mỹ).
Trovant có thể được tạo ra bởi sự tích tụ cát có độ xốp cao và trầm tích sa thạch được kết dính bởi nước giàu canxi cacbonat. Cái tên “Trovant” (trovanti) được đặt và giới thiệu bởi nhà tự nhiên học Gh. M. Murgoci, trong tác phẩm "The Tertiary in Oltenia."
Nhưng điều gì khiến những tảng đá này sinh sôi nảy nở? Bất kỳ dạng nước nào giàu canxi cacbonat đều cần thiết để hình thành Trovant, và đó cũng là chìa khóa khiến những tảng đá này phát triển khi có nước mưa.
Sau mỗi trận mưa lớn, Trovant hấp thụ các khoáng chất trong nước mưa. Các khoáng chất được kết hợp với thành phần hóa chất đã có trong đá sau đó tạo ra phản ứng và áp suất bên trong. Áp lực tự phát làm cho đá phát triển từ tâm ra bề mặt và sinh sôi, với tốc độ lắng đọng lõi khoảng 4-5 cm trong 1000 năm.
Đá Trovant xuất hiện với hình dạng nhẵn và không có góc cạnh, thường là hình trụ, nốt sần hoặc hình cầu. Trovant phát triển những hình dạng không nhất quán này khi chúng “lớn lên” và “sinh sôi” do quá trình tiết ra "xi măng" không đều. Bạn có thể thấy những viên đá này phát triển từ chỗ chỉ có kích thước vài mm và lớn đến 10 mét.
Có rất ít nghiên cứu về nguồn gốc của những “viên đá đang lớn” ở Romania, nhưng lại có nhiều giả thuyết được đưa ra. Theo Đại hội Địa chất Quốc tế tại Oslo 2008, "Trovant" được coi là một loại "bê tông sa thạch". Theo giả thuyết đưa ra tại đại hội, Trovant của Romania có kết cấu từ tính phản ánh các điều kiện cổ động lực học (địa chấn cổ) và tương ứng với các thành phần cụ thể của trầm tích cát (đặc biệt là cacbonat) tích tụ trong cát, xuất hiện trong những chấn động địa chấn quan trọng.
Những tảng đá kỳ lạ ở Romania được cho là ra đời sau các trận động đất xảy ra cách đây 6 triệu năm. Các hồ chứa cát được tạo ra sau quá trình bồi lắng liên tiếp của các vật chất mà những con sông đưa đến. Lực hấp dẫn, chấn động địa chất, lực dính kết của dung dịch (đặc biệt là sức căng bề mặt) và cường độ bám dính giữa các hạt cát và chất lỏng được cho là đã tham gia vào quá trình này.
Trovant không chỉ kỳ lạ do cấu trúc và khả năng phát triển, sinh sôi của chúng. Loại "đá sống" này còn có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Điều đáng kinh ngạc nhất là các Trovant có cấu trúc của một cái cây, nếu cắt ngang thân đá, ta có thể thấy những vân tròn giống như vòng tuổi bên trong thân cây. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích về đặc điểm độc đáo này.
Với các đặc điểm kết hợp của một loại thực vật và một tảng đá, thật khó nói những Trovant này nên được phân loại là sinh vật sống hay sinh vật không sống. Nhưng cho dù nó có phải là một sinh vật sống hay không, những viên đá “đang lớn” này chắc chắn là điều thú vị với du khách tham quan.
Còn ở địa phương, bên cạnh việc sử dụng rộng rãi Trovant như một vật liệu xây dựng bia mộ, người dân cũng khai thác chúng để làm đồ lưu niệm. Họ tạc đá thành những hình thù như con quỷ để bán cho du khách. Khách tham quan thậm chí có thể “trồng” một viên đá trong lòng đất và đợi nó lớn lên.
Vào năm 2006, tại các mỏ khai thác cát gần làng Costesti, huyện Valcea của Romania, một bảo tàng về đá Trovant đã ra mắt. Bộ sưu tập của nó bao gồm những mẫu vật gây tò mò nhất được mang đến từ các địa điểm khác nhau ở Romania. Kể từ đó, nơi đây đã trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất trong khu vực, nếu không muốn nói là ở Romania. Bảo tàng hiện đang được bảo vệ bởi tổ chức UNESCO.