Hàng trăm năm qua, miền đất Nam Bộ - vùng đất phong phú văn hóa và truyền thuyết, đã chứng kiến câu chuyện huyền bí về một nhân vật được mệnh danh là "đại Việt gian". Người này, với tham vọng và quyền lực, đã tự phong mình là Tổng đốc. Điều kỳ lạ không nằm ở cuộc đời hắn khi còn sống, mà ẩn sau cách thức mai táng độc đáo sau khi qua đời. Thay vì nằm dưới lòng đất như hầu hết mọi người, "đại Việt gian" này lại trăng trối với con cháu chọn cách chôn cất thẳng đứng. Câu chuyện này không chỉ khơi gợi sự tò mò về chủ nhân của ngôi mộ chôn đứng mà còn là bí ẩn thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ tìm hiểu về ý nghĩa của việc chôn đứng này.
Trong khu đất Thánh cạnh nhà thờ Cái Bè, thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, Tiền Giang, ngôi mộ lớn bằng đá trắng chôn quan tài dựng đứng vẫn truyền lại nhiều giai thoại khác nhau của người đời. Chủ nhân ngôi mộ là Tổng đốc Trần Bá Lộc. Người ta nhớ đến Lộc không phải một anh hùng lịch sử, cũng chẳng phải một nhà truyền đạo tốt lành mà Lộc là một kẻ man rợ nổi tiếng với những cuộc tàn sát đẫm máu nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp xâm lược Nam Kỳ khi xưa. Những tài liệu xưa ghi lại cho biết, hắn còn độc ác hơn cả người Pháp.
Cho đến khi chết, tâm khí cao ngạo và man rợ của Tổng đốc này mạnh mẽ đến mức bắt con cháu phải chôn đứng. Và tại sao Lộc lại bắt mọi người chôn đứng, có lẽ điều này xuất phát từ những việc làm của hắn với người dân Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Trần Bá Lộc (1839 - 1899) - nổi tiếng trong đám nhân vật cúc cung làm quan cho Pháp. Trần Bá Lộc xuất từng bước "thăng quan tiến chức" từ tay chân cốt cán, tri huyện, tri phủ rồi về hưu "hàm Tổng đốc". Trong Sài Gòn năm xưa , nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển còn ghi rõ: "Mộ ông này ở tỉnh Mỹ Tho, ai đi tàu gần tới xứ sản xuất cam ngon là thấy sừng sững trước đầu doi ngay khúc ngã ba sông hùng dũng".
"Cõng rắn cắn gà nhà"
Ngày nay, khi đến khu III, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ngôi mộ đứng kỳ lạ của Trần Bá Lộc vẫn còn nguyên vẹn. Nằm ngay bên cạnh chính là nhà thờ thị trấn Cái Bè.
Ngôi mộ đứng được thiết kế dạng tháp cao khoảng 4m, gần đỉnh tháp có bức tượng thiên thần đang chắp tay cầu nguyện, phía mặt trước ngôi mộ có đắp một bức tượng bán thân nhỏ hình người mặc quân phục, đầu trọc tượng trưng cho Trần Bá Lộc. Ở 4 mặt tháp là các phiến đá khắc các thông tin về cuộc cuộc đời chủ nhân ngôi mộ bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.
Bao quanh mộ có 12 trụ cột cao khoảng 1m liên kết với nhau bằng sợi xích sắt lớn. Hơn 100 năm trôi qua, mặc dù bị mài mòn bởi thời gian, dây xích này vẫn còn chắc chắn. Bên cạnh ngôi mộ thấp hơn là con trai độc nhất Trần Bá Thọ. Xa hơn bên trong hàng rào là mộ của bố mẹ Trần Bá Lộc. Trong khu đất rộng này đều là người trong dòng họ của Trần Bá Lộc, xung quanh có hàng rào tựa hình nhân trông rất lạ, giống như hàng người đứng canh hầu.
Ngôi mộ đứng này khiến nhiều người tò mò không chỉ vì kiểu lạ mà còn vì chủ nhân ngôi mộ ấy cả một đời làm tay sai cho ngoại xâm, quay lại tàn sát người dân của chính mình.
Trần Bá Lộc có cha là Trần Bá Phước, người Quảng Bình, đỗ Tú tài sau đó chuyển vào Nam dạy học. Cụ Phước dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long), sau đó nơi này đổi tên thành Cù lao Giêng (Châu Đốc). Nơi đây có các xứ đạo lâu đời, chính vì chào đời và lớn lên ở xứ đạo, đúng lúc triều đình thi hành chính sách cấm đạo khắt khe vì sự khiêu khích của người Pháp. Cụ Phước cũng bị bắt giam sau đó bị đi đày. Năm ấy, Lộc 16 tuổi, bao nhiêu thù hằn, oán hận, Lộc trút hết lên triều đình Huế và quan lại địa phương.
Khi Pháp tiến đánh Nam Kỳ, Lộc còn đang chèo ghe đi bán cá. Thế nhưng mối duyên được học ở trường nhà dòng, Lộc đã sớm bộc lộ sự thông minh và chí khí. Khi cha vẫn bị đi đày, nhà dòng vẫn nuôi nấng và dạy học cho Lộc. Có lẽ điều đó đã khiến Lộc dần có cảm tình với Pháp. Đến khi cưới vợ, Lộc cũng lấy một người theo đạo, 1 năm sau thì bị bắt bớ, đánh đập và giam lại.
Lộc trốn thoát được, cũng lúc ấy Pháp đã làm chủ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cần người bản xứ đứng ra làm cầu nối. Lợi dụng lòng căm thù của Lộc, giáo hội khuyên Lộc gia nhập quân đội Pháp để tránh bị trả thù. Thế rồi, Lộc mang gia đình lên Mỹ Tho, nhờ cha Marc sống trong lãnh thổ của quân Pháp.
Tiếp đó, Lộc xin vào làm lính mã tà. Khi binh Pháp sang đày, họ kéo theo đội quân I - Pha - Nho (Tây Ban Nha) cho đồng bè vấn tội vua Tự Đức giết mục sư Pháp và I - Pha - Nho. Do không đủ người, nên chúng dẫn theo mớ lính thuộc địa là lính mộ tại Manille - kinh đô quần đảo Phi Luật Tân ngày nay. Người Mã Lai (Malais) gọi người lính cảnh sát là "matamata", do vậy có từ "Mã tà". Nói cách khác, mã tà là lính cảnh sát ở Nam Kỳ gọi theo tiếng Mã Lai.
Nhờ tài năng do thám, điểm chỉ, Lộc được thăng lên Cai, lên Đội rất nhanh. Chỉ chừng 1 năm đã có địa vj vững chắc. Được cấp nhà lá, vợ nuôi heo kiếm thêm tiền. Cuộc sống đủ đầy, lên như diều gặp gió. Lộc càng hăng máu đàn áp các cuộc khởi nghĩa.
Biết chữ quốc ngữ, chữ Hán, Lộc được thăng làm tri huyện, tức chủ quận Cái Bè năm 1865, lúc ấy Lộc mới 26 tuổi. Đây cũng là người Việt đầu tiên được Pháp bổ làm chủ quận Nam Kỳ. Hai năm sau, được thăng Đốc Phủ Sứ. Lúc này, Trần Bá Lộc vừa có vai trò bình định các cuộc khởi nghĩa, vừa làm cố vấn cho Pháp về an ninh lãnh thổ, hành chính và các chính sách cai trị.
Lộc coi như mình có quyền hành trên những người Pháp, viết đơn gửi cho Giám đốc Nội vụ đề nghị thăng cấp cho người Pháp trong quận. Ngồi quận Cái Bè trong 30 năm, công lao đã nhiều, mà vẫn không còn tiến thân được nữa, điều đó chứng tỏ người Pháp không thích ông và dùng người có giai đoạn vì tính tự phụ, ngạo mạn. Những cuộc đánh dẹp trong Đồng Tháp Mười, Vũng Liêm, Cầu Ngang, Rạch Giá, Phú Quốc... có thể nói bất cứ cuộc khởi nghĩa nào ở Nam Kỳ cũng có Lộc hăng hái dẫn quân đi đàn áp dã man.
Năm 1886, Lộc được Pháp điều động ra Bình Định để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Xong việc, Lộc được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh và thăng hàm Tổng đốc Thuận Khánh, nên dân chúng gọi ông là Tổng Đốc Lộc. Sau đó, Lộc về quê tại Cái Bè và Mỹ Tho. Lộc rất tự phụ, chê cả người Pháp là bất lực, kém hiểu biết tình hình địa phương. Toàn quyền Paul Doumer vào Nam nhiều lần. Lần nào ông ta cũng có xuống nhà thăm Lộc. Theo Doumer, Lộc là một trong những người giàu nhất ở Nam Kỳ. Trước khi chết, Lộc còn hơn hai ngàn mẫu ruộng và làm chủ cả cù lao Quới Thiện. Để tưởng thưởng công lao của Lộc, năm 1899, Doumer cho Lộc làm thành viên của phái đoàn, tháp tùng với Doumer viếng thăm Bangkok. Ân huệ đó làm cho Lộc rất hãnh diện. Ngoài ra P.Doumer còn cất nhắc Lộc trước khi chết được vào Hội Đồng Tối Cao Đông Dương, có nhiệm vụ lo về an ninh lãnh thổ.
Tàn sát người Việt man rợ hơn cả Pháp
Trần Bá Lộc lấy vợ theo Công Giáo, vì căm thù vua Tự Đức bắt đạo nên sớm ra giúp Pháp và lập nhiều công lớn. Ngoài Bắc khi ấy có Hoàng Cao Khải, trong Nam có Trần Bá Lộc, miền Trung có Nguyễn Thân - khét tiếng là những tên giúp việc đắc lực cho Pháp.
Lính Pháp khi ấy cù nhầy cả năm trời mà không bình nổi dân. Người Pháp muốn mua chuộc nhân tâm, nửa cương nửa nhu, khi chùng khi thẳng và không nỡ xuống tay độc thủ. Pháp bắt được địch quân thì giam vào ngục là cùng, giam mãi rồi đầy người yêu nước trong ngục, cho nên quan Pháp phải viện đến Trần Bá Lộc. Ông ra quân chỉ vài tháng mà dẹp yên cả vùng Thuận Khánh (Khánh Hòa, Bình Thuận).
Trần Bá Lộc khi bắt được địch thủ, nhất quyết không cầm tù mà chỉ chặt đầu, "chém người như chém chuối". Những người già khi ấy nghe nhắc tên Trần Bá Lộc thảy đều lắc đầu. Thậm chí, đến toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy Paul Doumer còn nói thế này: "Việc ấy đã biết dư, cố nhiên là phải vậy! Nếu muốn nhân nghĩa và chớ chi còn kế hoạch nào khác, thì thà đừng sai hắn cầm binh". Ý nói tới sự tàn bạo của Trần Bá Lộc, dùng để đàn áp thì được, không thể dùng hắn mà lấy được lòng dân.
Cho đến bây giờ, khi nghe đến những cách đàn áp tàn bạo của Trần Bá Lộc, người ta vẫn còn rợn người. Để đối phó với địch binh không đứng ra quy thuận và thường ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc, có một cách tuyệt đối đó là sai bắt cha mẹ, vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Một mặt bố cáo trong ngoài kỳ hạn bao nhiêu ngày phải ra nộp mạng bằng không thì cha, mẹ, vợ bêu đầu; trẻ con thì "bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết ra như quết nem" - theo Các giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh của Hứa Hoành. Đối với phạm nhân tội không đáng chết, có khi cũng cho thân nhân lãnh về.
Không dừng lại ở đó, Trần Bá Lộc có trò chơi ác độc là bỏ người đàn ông vào nón lá nóp bàng, mỗi người một nóp may bít đầu đuôi, chỉ chừa một lỗ để lọt "bộ đồ kín" ra ngoài, đàn bà nào nhìn được "của riêng" thì mang được chồng về. Tất cả những điều này đều được ghi lại trong Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển và Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh của Hứa Hoành.
Sau khi dẹp yên quân khởi nghĩa, Trần Bá Lộc được thăng làm Tổng đốc và được ban đệ tam đẳng Bắc đẩu bội tinh (Commandeur de la Légion d'Honneur), nhưng đúng là "chim dữ hết thì ná treo đầu tường", quân Pháp ngán nên không dùng Trần Bá Lộc nữa.
Đến năm 1899, Toàn quyền Doumer từ Sài Gòn xuống nhà thăm thì lúc ấy Trần Bá Lộc cũng đã mệt, chỉ vài tháng sau là nhắm mắt. Lạ kỳ là y trối trăng dạy chôn "đứng". Ma chay linh đình suốt mấy chục ngày dài, mỗi bữa ngã bò vật heo thết đãi trên nghìn miệng ăn. Quan tài đặt xuống huyệt có lính tập bồng súng chào, đủ mặt quan Lang sa dự đám. Đến con trai ăn học bên Pháp về làm quan ít lâu cũng khét tiếng như cha vậy. Dường như "cây đắng" cũng không thể sinh "trái ngọt", Trần Bá Thọ theo chân cha trở thành tên gian ác khét tiếng, nhưng rồi cũng phá tan gia sản và tự vẫn.
Những năm cuối đời, khi về sống tại biệt thự ven sông ở thị trấn Cái Bè, cấp bậc to nhưng thực quyền không lên được nữa. Lộc nghĩ cách khai phá quận Cái Bè, xin phép đào kênh trong Đồng Tháp. Công việc đào kênh rất nặng nhọc, giữa đồng nhiều muỗi, vắt, đỉa và thiếu nước uống, khiến cho nhiều người chết vì bệnh sốt rét và dịch tả. Mới đầu, Tổng đốc Lộc cho đào thử hai con kênh dài 8km. Năm 1896, tiếp tục cho dân đào 10 con kênh nhỏ và 1 con kênh rộng dài 47km. Một năm sau, con kênh đó hoàn thành, cũng kéo được nhiều gia đình tới đó làm ăn.
Nhờ đó mà Lộc được người Pháp thưởng cho hơn nghìn mẫu ruộng. Nhưng khi chết, người Pháp lãnh đạm, triều đình mặc kệ, người Pháp lấy tên Lộc đặt tên cho con kênh từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng, ngày nay tên kênh là Dương Văn Dương.
Dẫu việc đào kênh của Lộc giúp mang lại lợi ích lớn cho vùng Đồng Tháp Mười nhưng dù sao đó cũng là việc dẫm lên xương máu của nhân dân. Chính vì thế, việc Lộc chết đi chẳng mấy ai quan tâm, nói cách khác là khiếp sợ và ghét bỏ. Theo như người dân sống gần khu mộ chia sẻ, hiện nay, ở đây không có người trong dòng họ của Trần Bá Lộc sinh sống, họa chăng thỉnh thoảng có người ở nơi khác về thuê người dọn dẹp chứ chủ yếu cũng hương tàn khói lạnh mà thôi.
Người ta cũng thắc mắc rằng tại sao trước khi nhắm mắt Lộc lại dặn con cháu chôn đứng, phải chăng do sự man rợ giết quá nhiều người lo sợ khi nằm xuống sẽ bị báo ứng trả thù hay đơn giản vì tính tự phụ mà vẫn muốn đứng để "chống mắt nhìn đời"...