Những người mang giày mũi nhọn thường phát triển bunion, một dạng dị tật ở bàn chân, trong đó ngón chân cái thường uốn cong về phía các ngón chân khác, khiến các khớp trở nên đỏ và gây đau đớn. Theo một nghiên cứu mới, tình trạng này ít phổ biến hơn nhiều vào thế kỷ 13 trở về trước, khi các loại giày dép thoải mái hơn được ưa chuộng.
Bunion có thể dẫn đến mất thăng bằng khi di chuyển, đặc biệt khi bệnh nhân già đi, họ cũng phải gánh chịu những tổn thương khác. Một cuộc kiểm tra các bộ xương thời Trung cổ cho thấy những người lớn tuổi bị bunion nhiều khả năng bị gãy xương ở chi trên do té ngã.
Piers Mitchell, giảng viên Khoa Khảo cổ học tại Đại học Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Những dấu tích còn lại của những đôi giày được khai quật ở London và Cambridge cho thấy rằng vào cuối thế kỷ 14, hầu hết mọi loại giày đều có mũi nhọn - một phong cách phổ biến ở cả người lớn và trẻ em."
Mitchell cho biết: "Chúng tôi đã điều tra những thay đổi xảy ra trong giai đoạn giữa và cuối thời trung cổ và nhận ra rằng sự gia tăng dị tật bunion theo thời gian là do sự ra đời của những kiểu giày dép mới này".
Theo Trường Cao đẳng Bác sĩ Phẫu thuật Chân và Mắt cá chân Hoa Kỳ (ACFAS ), khi một người mắc bunion, dấu hiệu đầu tiên của vấn đề là ngón chân cái dần "nghiêng" về phía các ngón chân khác, phá vỡ sự liên kết của xương ngón chân, gây đau đớn và các vấn đề khác.
Bunion cũng có thể phát sinh do viêm khớp hoặc do phản ứng của các dị tật khác ở chân, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do đi giày bó ngón. Nếu các điều kiện gây ra bunion vẫn tồn tại, bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.
Gần đây, các nhà khoa học đã phân tích các bộ xương - và bunion - của 177 cá thể từ bốn nghĩa trang thời Trung cổ ở Cambridge, Anh. Họ cũng kiểm tra các bộ xương để tìm các dấu hiệu chấn thương có thể do mất thăng bằng do bunion.
Họ phát hiện ra rằng 27% cá thể có niên đại từ thế kỷ 14 và 15 bị bunion. Khoảng 45% tu sĩ được chôn cất trong nghĩa trang dành cho người giàu bị mắc bunion - tỷ lệ cao nhất trong nhóm. Có lẽ vì vào khoảng thế kỷ 14, việc các giáo sĩ Anh ăn mặc thời trang trở nên phổ biến hơn.
Mitchell cho biết thêm: "Việc các giáo sĩ sử dụng những bộ quần áo thời trang quá phổ biến, đã gây ra làn sóng chỉ trích trong văn học đương đại, như đã thấy trong miêu tả của Chaucer về nhà sư trong trong Canterbury Tales". (Nhân vật nhà sư trong Canterbury Tales được mặc áo choàng lông thú được trang trí bằng một chiếc ghim vàng, nhân vật này coi trọng vật chất hơn tôn giáo).
Cũng theo nghiên cứu, nhìn chung, những người nghèo không đủ tiền mua những đôi giày mũi nhọn đắt đỏ có đôi chân khỏe mạnh hơn. Chỉ 10% người dân lao động ở nghĩa địa chính của giáo xứ mắc bệnh bunion, tỉ lệ này ở người dân trong nghĩa trang nông thôn chỉ 3%. Trong những bộ xương có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, trước khi giày mũi nhọn trở thành mốt, chỉ có khoảng 6% nhóm có bunion.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng bộ xương của những người mắc chứng bunion cũng có nhiều dấu hiệu bị thương hơn, với khoảng 52% người mắc chứng bunion bị gãy xương ít nhất một lần trong đời.
Jenna Dittmar, nhà nghiên cứu về ngành khảo cổ xương người tại Đại học Aberdeen, Scotland, cho biết: "Nghiên cứu lâm sàng hiện đại trên những bệnh nhân bị bệnh bunion đã chỉ ra rằng dị tật khiến việc giữ thăng bằng khó hơn và làm tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi".
Dittmar nói: "Bunion vốn được cho là một vấn đề của người hiện đại, nhưng công trình nghiên cứu này cho thấy đây thực sự là một trong những tình trạng phổ biến ở người trung cổ".