Chiếc mặt nạ quý hiếm được làm từ đá sa thạch màu hồng và màu vàng, với độ nhẵn mịn cao và có những chi tiết đối xứng trên khuôn mặt, được các nhà khảo cổ tìm thấy trên một cánh đồng ở phía nam Hebron Hills, thuộc Bờ Tây Israel.
Chiếc mặt nạ này bắt đầu được phục hồi từ đầu năm 2018. Thành quả này là nhờ vào những nỗ lực của các chuyên gia ngăn ngừa trộm cổ vật của Cơ quan cổ vật Israel (IAA). Mặt nạ đá sa thạch 9.000 năm đã được các chuyên gia tiến hành phục hồi và hiện nó đang trong tình trạng khá tốt.
Chiếc mặt nạ trông rất tự nhiên với nhiều chi tiết như xương gò má, mũi, răng trông rất sống động. Ảnh: Foxnews
Theo các nhà khảo cổ, mặt nạ được làm từ đá sa thạch, có bề mặt nhẵn mịn, và được tạo hình với nghệ thuật tuyệt vời. Nó trông giống như khuôn mặt người, có các chi tiết rất tự nhiên như xương gò má và thậm chí là những chiếc răng được tạo tác khiến cho "khuôn mặt" trở nên chân thật hơn.
Tựu chung lại, chiếc mặt nạ trông rất ấn tượng, đặc biệt là nó được làm ra chỉ với những công cụ đơn giản. Điều này minh chứng rằng xã hội sản xuất ra nó có những người thợ thủ công vô cùng khéo léo. Ngoài ra, có 4 lỗ nhỏ được tạo tác ở các cạnh của mặt nạ cho thấy chúng có thể được dùng để người ta đeo trong một nghi lễ hay buộc và gắn lên các bức tượng.
Chiếc mặt nạ có kích cỡ tương tự khuôn mặt của con người.
Các chuyên gia cho rằng chiếc mặt nạ làm bằng đá sa thạch này có mối liên hệ chặt chẽ với sự khởi đầu của một xã hội nông nghiệp cổ đại thời đồ đá mới.
Ronit Lupu, nhà khảo cổ học của IAA, chia sẻ: "Chiếc mặt nạ trông rất tự nhiên với xương gò má và cả một chiếc mũi hoàn hảo. Đó là một chiếc mặt nạ hiếm có. Chiếc gần nhất mà chúng tôi từng biết đến là cách đây 35 năm".
Trong một tuyên bố, đại diện của IAA cho biết, mặt nạ đá 9.000 năm tuổi có liên quan đến một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp.
Mặt nạ bằng đá sa thạch được chế tác rất khéo léo.
Theo các chuyên gia khảo cổ học phỏng đoán, do có kích cỡ tương tự như mặt người, nên chiếc mặt nạ làm bằng đá sa thạch này có thể được sử dụng cho một nghi thức tôn giáo liên quan đến thờ phụng tổ tiên nhằm tưởng niệm hoặc thể hiện lòng tôn kính đến người thân và những thành viên quá cố trong gia đình.
Chiếc mặt nạ 9.000 năm tuổi được coi là phát hiện cực hiếm khi chỉ có khoảng 15 chiếc tương tự được tìm thấy trên toàn thế giới, tính đến hiện tại.
Mặt nạ đá này không chỉ là một phát hiện ấn tượng mà còn cung cấp cho các chuyên gia cơ hội để tìm hiểu về một giai đoạn quan trọng trong nền văn minh của con người, cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới quan của tổ tiên xưa kia, đặc biệt là sự xuất hiện của một xã hội mới và thay đổi cách sống.
Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Dailymail