Quần đảo Galapagos (Ecuador) là nơi có hệ sinh thái phong phú với những loài động, thực vật kỳ lạ. Charles Darwin, nhà tự nhiên học người Anh, đã tới quần đảo này vào năm 1835. Ông đã quan sát sự khác biệt giữa chế độ ăn của những loài chim sẻ trên đảo và nhận ra kích thước mỏ chim sẻ sẽ thay đổi dựa trên nguồn thức ăn sẵn có.
Thực tế, quần đảo Galápagos là nơi cư ngụ của 13 loài chim sẻ Darwin khác nhau tiến hóa từ một tổ tiên chung.
Mỗi loài chim sẻ thích nghi với môi trường riêng và điều chỉnh chế độ ăn theo. Trong khi một số loài chim thích ăn hạt, nhụy hoa, phấn và côn trùng thì có loài lại ưa uống máu từ những con chim biển lớn như loài chim sẻ “ma cà rồng”.
Đảo Darwin và đảo Sói nằm tách biệt so với những đảo khác trong quần đảo.
Tạp chí khoa học Smithsonian cho biết loài này bắt đầu sống tại đảo Darwin và đảo Sói (cùng thuộc quần đảo Galapagos) từ 500.000 năm trước. Đảo Darwin và đảo Sói nằm tách biệt so với những đảo khác trong quần đảo. Điều kiện đặc biệt khắc nghiệt và thức ăn khan hiếm, thậm chí có thể biến mất vào mùa khô.
Chim sẻ ma cà rồng sống trên đảo cùng một số loài chim biển, chim điên chân đỏ... và ăn các loại ký sinh trùng trên da, lông các loài chim lớn này. Lâu dần, chúng bắt đầu phát triển sở thích hút máu trong lúc bắt ký sinh trùng.
Chim sẻ "ma cà rồng" mổ vào cánh những con chim lớn để hút máu.
Hành vi uống máu thực sự bất thường đối với chim sẻ và các nhà khoa học nhận xét đây là sự "tiến hóa" để thích nghi với môi trường.
Cụ thể, chim sẻ "ma cà rồng" sử dụng chiếc mỏ sắc nhọn để tiếp cận nguồn máu qua việc mổ vào cánh những con chim lớn. Việc chim sẻ thường giúp "dọn dẹp" ký sinh trùng trên người các con chim lớn có lẽ đã giúp chúng không bị chống trả trong việc hút máu.
Các nhà nghiên cứu Kiyoko Gotanda ở Đại học Cambridge, Daniel Baldassarre ở Đại học New York và Jaime Chavez ở Đại học San Francisco cho biết, việc uống máu để sinh tồn thường chỉ được thực hiện khi những nguồn thức ăn khác như hạt, côn trùng khan hiếm.
Trong máu chứa ít chất dinh dưỡng cần thiết và quá nhiều muối, sắt. Tuy nhiên, chim sẻ ma cà rồng sở hữu một loại vi khuẩn ruột Peptostreptococcaceae có chức năng tiêu hóa 2 chất này. Vì thế, chúng sẵn sàng sử dụng nguồn "thức ăn" này khi cần thiết.
Trong tình huống không có thức ăn, chúng tấn công cả chim biển và con non. Chúng cố tình mổ vào gốc đuôi nơi có tuyến dầu của chim non và uống máu chảy ra.
Ngoài ra loài này còn có thói quen trộm và ăn trứng của loài khác. Chúng đẩy trứng vào đá bằng chân và dùng mỏ làm trụ đến khi trứng vỡ ra. Chim sẻ "ma cà rồng" cũng ăn cả phân chim và cá còn sót lại từ những kẻ săn mồi khác.