Cleopatra và nữ thần Isis...
Cleopatra VII được sinh ra ở Ai Cập, nhưng là trong một dòng dõi hoàng tộc Hy Lạp - Ptolemy, những người đã cai trị Ai Cập gần 300 năm. Vương triều Ptolemy (thuộc Macedonia, Hy Lạp) là một trong những triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử, nổi tiếng không chỉ bởi sự giàu có và trí tuệ mà còn bởi những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu giữa những anh chị em ruột thịt.
Dòng tộc Ptolemy lên nắm quyền sau cuộc chinh phạt Ai Cập của Alexander Đại đế bắt đầu từ năm 332 TCN. Ông được công nhận là pharaoh ở thủ đô Memphis. Dọc theo một dải đất nằm giữa Địa Trung Hải và hồ Mareotis, Alexander đã vạch ra một kế hoạch chi tiết cho Alexandria, vốn sẽ trở thành thủ đô của Ai Cập trong gần một nghìn năm.
Sau khi Alexander qua đời vào năm 323 TCN, quyền cai trị Ai Cập đã được trao cho Ptolemy, một trong những vị tướng đáng tin cậy của ông. Ptolemy trở thành pharaoh vào năm 304 TCN, và mở ra một triều đại rực rỡ ở Ai Cập.
Di sản vĩ đại nhất của triều đại Ptolemy chính là Alexandria, với đại lộ chính rộng hàng chục mét, các cột đá vôi lấp lánh, cung điện bên bờ biển và đền thờ được bao quanh bởi ngọn hải đăng cao chót vót, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, trên đảo Pharos.
Alexandria nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất và văn minh nhất thời bấy giờ.
Vào thời điểm Cleopatra VII lên ngôi vào năm 51 TCN ở tuổi 18, vương triều Ptolemy đang bên bờ vực sụp đổ. Các vùng đất thuộc Síp, Cyrene (phía đông Libya), và một phần của Syria đã bị mất. Quân đội La Mã đã được đồn trú tại Alexandria. Mặc dù vậy, bất chấp hạn hán, nạn đói, và các cuộc nội chiến, Alexandria vẫn là một thành phố lung linh nếu so với tỉnh Rome.
Cleopatra có ý định khôi phục đế chế của mình, nhưng không phải bằng cách chống lại sức mạnh ngày càng tăng của người La Mã mà bằng cách khiến cho bà trở nên hữu ích với họ - cung cấp những con tàu và ngũ cốc, và thiết lập một liên minh với vị tướng La Mã Julius Caesar bằng một người con trai - Caesarion.
Sợ người dân tức giận trước quyết định liên minh với người La Mã, Cleopatra đã chấp nhận truyền thống của người Ai Cập.
Bà được cho là pharaoh Ptolemy đầu tiên học tiếng Ai Cập. Nếu như các lãnh chúa nước ngoài thường chấp nhận các truyền thống tôn giáo địa phương vì mục đích chính trị, thì những người Ptolemy thực sự bị hấp dẫn bởi những quan niệm của người Ai Cập về thế giới bên kia. Một trong những nền tảng của tôn giáo Ai Cập là truyền thuyết về Osiris - Isis.
Truyền thuyết kể về việc Osiris bị giết bởi người em trai - Seth, sau đó bị cắt thành từng mảnh và rải khắp Ai Cập. Với sức mạnh có được từ việc lừa thần mặt trời Re tiết lộ tên bí mật của mình, Isis - vợ của Osiris, đã có thể hồi sinh chồng mình đủ lâu để thụ thai một đứa con trai - Horus, người cuối cùng đã trả thù cho cha mình bằng cách giết chết người chú - Seth.
Vào thời Cleopatra trị vì, một giáo phái tôn thờ nữ thần Isis đã lan rộng khắp Địa Trung Hải trong hàng trăm năm. Để củng cố ngôi vị của mình giống như các nữ hoàng đời trước, Cleopatra đã liên kết bản thân với hình ảnh của Isis vĩ đại (và Mark Antony với Osiris), và được tôn kính như một nữ thần.
Nữ thần Isis trong thần thoại Ai Cập.
Từ năm 37 TCN, Cleopatra bắt đầu thực hiện tham vọng mở rộng đế chế của mình sau khi Antony phục hồi một số vùng lãnh thổ của Ai Cập, và quyết định trao quyền cai trị cho những người con của Cleopatra.
Bà đã xuất hiện trong trang phục của nữ thần Isis tại một lễ hội được tổ chức tại Alexandria để kỷ niệm chiến thắng của Antony trước Armenia vào năm 34 TCN, chỉ 4 năm trước khi tự sát và kết thúc đế chế Ai Cập.
Dấu vết về lăng mộ của Cleopatra dần hé lộ
Chính sự gắn kết của Cleopatra với nữ thần Isis đã dẫn Kathleen Martinez đến Taposiris Magna.
Dựa trên những mô tả về Ai Cập cổ đại của Strabo, Martinez phác thảo một bản đồ các khu di tích tiềm năng, đánh số 21 địa điểm gắn liền với truyền thuyết về Isis - Osiris, và ghé thăm từng địa điểm mà cô có thể tìm thấy.
"Điều đưa tôi đến kết luận rằng Taposiris Magna có thể là nơi chôn giấu lăng mộ bí mật của nữ hoàng Cleopatra là ý tưởng rằng cái chết của bà là một nghi thức tôn giáo được thực hiện trong một buổi lễ tinh thần rất nghiêm ngặt", Martinez nói.
"Cleopatra đã đàm phán với Octavian, cho phép bà được chôn cất Mark Antony ở Ai Cập. Bà muốn được chôn cất với người tình của mình để tái hiện lại truyền thuyết Isis và Osiris. Ý nghĩa thực sự của việc tôn thờ thần Osiris là niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại sự bất tử.
Sau khi chết, các vị thần sẽ cho phép Cleopatra sống với Antony dưới dạng tồn tại khác, và họ sẽ có cuộc sống vĩnh hằng bên nhau".
Mark Antony và Cleopatra trên phim ảnh.
Sau khi nghiên cứu hơn một tá ngôi đền, Martinez tiến về phía tây Alexandria dọc theo con đường ven biển để khám phá tàn tích mà cô tin là niềm hy vọng cuối cùng và phù hợp nhất cho giả thuyết của mình.
Ngôi đền tại Taposiris Magna được cho là được xây dựng dưới triều đại Ptolemy II, mặc dù có thể còn sớm hơn. Hậu tố Osiris trong tên của ngôi đền ngụ ý rằng địa điểm này là một nơi linh liêng, một trong 14 địa điểm trên khắp Ai Cập, nơi truyền thuyết cho rằng một phần cơ thể (đã bị chia cắt) của Osiris được chôn cất.
Với biển Địa Trung Hải ở bên phải và hồ Mareotis ở bên trái, Martinez suy nghĩ về khả năng Cleopatra có thể đã đi một con đường tương tự. Bà lựa chọn vị trí chiến lược này làm nơi chôn cất vì nó nằm trong biên giới của Alexandria cổ đại và chưa bị kiểm soát bởi người La Mã trong những ngày cuối cùng trước khi bà qua đời.
"Khi nhìn thấy nơi này, tim tôi đập rất nhanh", cô nhớ lại. Khi dạo quanh để xem xét, cô trượt những ngón tay dọc theo những khối đá vôi màu trắng và màu be bao quanh ngôi đền. "Chính là nơi này!", cô thầm nghĩ.
* Còn tiếp...
Nguồn: National Geographic
Tác giả: Chip Brown
Ảnh: George Steinmetz
Công Khanh dịch