Deja Vu - trải nghiệm được cho là 'nhìn thấy tương lai từ quá khứ' là một trong những hiện tượng kỳ lạ mà quá nửa dân số thế giới từng trải qua ít nhất một lần trong đời.
Bỗng dưng trong một cuộc trò chuyện với bạn bè/người thân, bạn chợt nhận ra 'cảnh này xảy ra rồi'; hay dù là lần đầu tiên bước chân đến một nơi xa lạ, bạn vẫn cảm thấy thân quen một cách khó hiểu... Dưới cái nhìn của khoa học, bạn đang trải nghiệm hiện tượng Deja Vu.
Kéo dài chỉ từ 10 đến 30 giây, vậy mà hiện tượng Deja Vu đã khiến khoa học phải điên đầu nghiên cứu trong nhiều năm. Triết gia người Pháp Émile Boirac (1851-1917) là một trong những người tiên phong nghiên cứu Deja Vu đầu tiên năm 1876.
Cho đến nay, có hàng chục giả định đưa ra để giải thích cho hiện tượng bí ẩn này, trong đó, giả định được chấp nhận rộng rãi nhất là do tiềm thức. Theo đó, tiềm thức hoạt động song song với suy nghĩ nhưng lại hoạt động bất chấp sự suy nghĩ của con người. Tiềm thức tạo nên các hình ảnh, tình huống TRÙNG HỢP với các sự kiện diễn ra trong đời sống con người.
Theo giả định này, các nhà khoa học kết luận: Deja Vu là trải nghiệm của một người khi nhận thấy 1 sự kiện nào đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã từng có trong quá khứ.
Trong khi hiện tượng Deja Vu còn chứa nhiều bí ẩn đối với khoa học thì một hiện tượng khác đối lập với Deja Vu, được cho là kỳ lạ và bí hiểm hơn Deja Vu, cũng đang thách thức giới nghiên cứu.
Một nghiên cứu khoa học mới nhất trên Tạp chí Brain Stimulation cung cấp hiện tượng mới, ít gặp hơn Deja Vu nhưng lại kỳ quái hơn: Có thể mơ thấy giấc mơ đã từng mơ (lặp lại giấc mơ) HOẶC trải qua cảm giác từng có trong giấc mơ ở thế giới thực.
Khoa học gọi đó là Deja Reve.
Nếu như thuật ngữ tiếng Pháp Déjà Vu có nghĩa đen là 'đã từng nhìn thấy', thì Dêjà Rêvé có nghĩa là 'đã từng mơ thấy'.
Về cơ bản, Deja Reve là cảm giác bạn có được khi bạn ở trong một tình huống trong thế giới thực khiến bạn cảm thấy rằng bạn mơ thấy mình sẽ ở đó, hoặc bằng cách nào đó bạn đã thấy trước hoàn cảnh của mình.
Một số người trải nghiệm Deja Reve cảm thấy rằng những giấc mơ tiên tri của họ đã đến với họ cách đây nhiều năm.
Các nhà khoa học đã tìm cách kích hoạt Deja Vu trong phòng thí nghiệm và chứng minh rằng cảm giác không thực sự mang lại cho bạn bất kỳ khả năng nhận thức nào. Tương tự như vậy, cảm giác của Deja Reve không có nghĩa là bạn thực sự mơ những gì bạn nghĩ bạn đã mơ.
Trải nghiệm Deja Reve là có thể mơ thấy giấc mơ đã từng mơ (lặp lại giấc mơ) HOẶC trải qua cảm giác từng có trong giấc mơ ở thế giới thực. Ảnh minh họa: CNN
Theo công trình nghiên cứu mới dựa trên các báo cáo y tế về bệnh nhân động kinh từ năm 1958 đến 2015, trải nghiệm Deja Reve xảy ra phổ biến sau khi bệnh nhân được kích thích não điện EBS - một phương pháp điều trị khá chuẩn cho các triệu chứng động kinh.
Tiến sĩ Jonathan Curot thuộc Bệnh viện Đại học Toulouse (Pháp), tác giả chính của công trình về Deja Reve cho biết: Nghiên cứu biệt lập Deja Reve là cách để khoa học tách cảm giác của Deja Vu ra khỏi cảm giác Deja Reve và tìm hiểu thêm về bí ẩn giấc mơ của con người.
Nói cách khác, Deja Reve là cách tiếp cận thú vị để hiểu rõ hơn về những giấc mơ sinh lý không thể sao chép trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Hầu hết các nghiên cứu xoay quanh hiện tượng 'đã từng mơ thấy' tập trung vào thời gian ngủ REM (một trong 4 giai đoạn của giấc ngủ ban đêm).
Trong giai đoạn ngủ REM, bạn sẽ trải qua những giấc mơ cực kỳ sống động và viễn tưởng, theo Tiến sĩ Philip Gehrman, Phó Giáo sư tâm thần học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết. Đồ họa: Huffington Post.
Trên thực tế, những người tham gia nghiên cứu đã mô tả trải nghiệm Deja Reve của họ theo ba cách riêng biệt:
- Deja Reve kiểu từng hồi, từng giai đoạn: Bệnh nhân có thể xác định chính xác (hoặc gần đúng) ngày mà họ sẽ có giấc mơ nhất định của mình.
- Deja Reve có cảm giác quen thuộc: "Tôi mơ thấy một giấc mơ (cơn ác mộng) mà họ đã gặp cách đó vài năm." - một bệnh nhân giải thích.
- Deja Reve kiểu chìm trong giấc mơ: Nghĩa là ngay khi đã tỉnh dậy, đầu óc họ vẫn còn bị cuốn vào giấc mơ. Nếu trong mơ họ đang khóc thì khi tỉnh dậy, cảm giác đau buồn vẫn chưa chấm dứt và họ có thể khóc tiếp.
Các nhà khoa học tạm kết luận, Deja Reve vẫn là một hiện tượng mới và công trình nghiên cứu này là bước đầu tiên để giải thích những cảm giác mơ kỳ lạ xảy đến với con người.
Đối với giới khoa học nói chung, khả năng kích hoạt cảm giác bằng cách kích thích não bộ có thể trả lời rất nhiều câu hỏi về giấc mơ.
"Hiểu được tại sao một số giấc mơ có thể được con người ghi nhớ và giải mã nội dung giấc mơ là hai thách thức to lớn với các nhà nghiên cứu." - Tiến sĩ Jonathan Curot cho hay.
Bài viết sử dụng nguồn: Inverse, Curiosity
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.