Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn còn là bí ẩn, khi nguyên nhân ô nhiễm hoặc bệnh tật bị loại trừ ngay từ đầu, không ai biết chính xác những gì đã xảy ra trong tự nhiên.
"Tự sát" tập thể?
Vào năm 2005, một số người chăn cừu ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đã bị mất việc làm, vì 1.500 con cừu mà họ trông nom bỗng nhiên nhảy khỏi vách đá, tờ Listverse đưa tin.
Tất cả bắt đầu khi con đầu đàn lao qua rìa núi và kéo theo sự "hưởng ứng" của toàn bộ số cừu còn lại. Khoảng 400 con đầu tiên đã chết sau cú rơi ở độ cao 15m xuống vực sâu và 1.100 con khác đã sống sót nhờ tấm đệm từ chính những chú cừu xấu số. Sự cố này có tác động rất lớn đến người dân bản địa, vì nhiều gia đình nơi đây phụ thuộc vào cừu để mưu sinh.
Thực ra, việc những chú cừu "rủ nhau" lao xuống khe núi cũng có thể coi là một chuyện bình thường; vì lẽ chúng đã thực hiện cú nhảy cùng một thời điểm. Tuy nhiên, cái kết bi thảm của những con bò ở Thụy Sĩ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tổng cộng 28 con bò cái và bò đực đã chết sau khi lao xuống một vách đá cao hơn nhiều so với đàn cừu kể trên. Sẽ dễ hiểu hơn khi chúng đi cùng nhau và rơi xuống cùng một điểm nhưng thực tế, sự cố này diễn ra dàn trải suốt 3 ngày liền khiến cho toàn bộ sự việc trở nên bí ẩn hơn.
Hiện tượng bò chết hàng loạt ở Thụy Sĩ. Ảnh: Listverse.
Một vụ việc kỳ quặc không kém đã xảy ra vào ngày 7/8/2011 tại một trang trại thỏ ở làng Haixin, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Hôm đó, Yan Fugen – chủ trang trại tỉnh dậy và phát hiện lũ thỏ nằm chết la liệt, chỉ số ít còn sống nhưng đang bị 3 con chó săn đuổi.
Yan cho hay, khoảng 400 con thỏ có vết cắn trên người, trong khi số còn lại không hề bị thương. Được biết, số thỏ tử vong lên đến 1.000 con (chiếm khoảng 2/3 trang trại).
Trong những thập kỷ qua, tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, người ta thường chứng kiến những cuộc "tự sát tập thể" của những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển.
Cuối năm ngoái, hàng trăm tình nguyện viên đã tập trung ở một bãi biển hẻo lánh tại New Zealand trong nỗ lực gần như tuyệt vọng để cứu hàng trăm con cá voi "tự sát".
Tổng cộng có 416 con cá voi mắc cạn tại vùng biển tên là Farewell Spit, và 3/4 số đó đã chết khi được phát hiện. Buổi sáng ngày 10/2 đã trở thành dấu mốc cho một vụ cá voi "tự sát" tồi tệ nhất lịch sử New Zealand.
Cá voi mắc cạn không phải hiện tượng hiếm gặp ở Farewell Spit, nhưng vụ việc lần này được nhận định là một "cú sốc".
Theo một quan chức của cục Bảo tồn New Zealand, khoảng 300 nhân viên cứu hộ và người dân địa phương đã tham gia giải cứu những chú cá voi vô tình tìm đường "tự sát". Họ đã phải hình thành các "chuỗi người" để cố gắng ngăn chặn cá voi bơi trở lại bờ.
Thủy triều cao là cơ hội duy nhất trong ngày để thực hiện việc này, nên nếu chẳng may những con cá voi lại bị kẹt lại một lần nữa, các tình nguyện viên sẽ phải đợi cho đến khi thủy triều lên vào ngày tiếp theo. Trong khi đó, các tình nguyện viên phải cố gắng giữ cho chúng ẩm ướt và mát mẻ bằng cách trùm chăn và té nước.
Trước đó tháng 9/2010, nhân viên môi trường tìm thấy gần 100 chú cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển vịnh Spirit, cách Auckland, New Zealand 320km về phía Tây Bắc. Khoảng 60 trong số gần 100 chú cá voi dạt vào bờ đã chết.
Bức màn huyền bí của thiên nhiên
Sau khi tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường, một số cái chết kỳ bí của hàng loạt động vật, tưởng chừng chịu tác động bởi sức mạnh siêu nhiên lại bắt nguồn từ những lý do vô cùng đơn giản. Chẳng hạn, hiện tượng chim sáo chết hàng loạt ở cảng Constanta thuộc biển Đen, Romeu Lazar (Romani) năm 2011 được khẳng định là do... say rượu.
Kết quả khám nghiệm cho thấy những chú chim đã ăn phần nho lên men còn sót lại trên một cánh đồng trong khi cơ thể của chúng không có khả năng xử lý chất cồn. Cùng năm, một nhiếp ảnh gia tên là Daniel J. Cox đã chụp được cảnh những chú chim cánh cụt ở Nam Cực bị chết hàng loạt.
Và theo giới chức địa phương, nguyên nhân có thể do biến đổi khí hậu hoặc đơn giản vì lũ chim bị chết đói.
Còn đối với vụ việc xảy ra tại trang trại thỏ ở Trung Quốc, một chuyên gia của phòng chăn nuôi địa phương giải thích, lũ thỏ bị chết hàng loạt là do phản ứng căng thẳng của động vật.
Theo đó, khi nghe thấy tiếng ồn lớn hoặc gặp tình huống bất ngờ, cơ thể chúng tiết ra một lượng lớn adrenaline; hệ thần kinh giao cảm cũng rơi vào một trạng thái kích thích, làm tim đập nhanh và gây rối loạn các cơ quan.
Tuy nhiên đến nay, phần lớn những vụ động vật chết hàng loạt vẫn khiến nhiều nhà khoa học bối rối; nhất là khi hiện tượng này không chỉ xảy ra ở một vài loài cá biệt. Họ đã bắt tay vào tìm nguyên nhân cái chết, song mọi giả thiết đưa ra đều chưa có cơ sở khẳng định hay được kiểm chứng hoàn toàn.
Còn nhớ cuối năm 2007, khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Chambal, Ấn Độ xác nhận 76 trường hợp cá sấu Gharial chết dọc bờ sông, bắt đầu từ bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, rồi lan tới hai bang Rajasthan và Uttar Pradesh.
Khám nghiệm cho thấy cá sấu chết vì xơ gan và loét dạ dày. Điều kỳ lạ là nhiều loài khác trong hệ sinh thái sông Chambal, bao gồm hàng chục loài cá vốn là thức ăn của cá sấu Gharial vẫn khỏe mạnh, không hề có dấu hiệu bệnh tật hay ngộ độc.
Trong khi đó, hiện tượng cá voi "tự sát" hàng loạt được xem là một bí ẩn từ thời cổ đại. Khoảng 2.000 năm trước, nhà triết học Hy Lạp Aristotle đã thắc mắc vì sao cá voi và cá heo thường xuyên dạt vào bờ rồi bỏ mạng ở đó. Các chuyên gia có lý thuyết khác nhau để giải thích vì sao cá voi hay "tự làm hại mình".
Một trong số đó cho rằng vì chúng cố gắng đuổi theo con mồi quá xa hoặc cố gắng bảo vệ một thành viên bị ốm. Ngoài ra, Farewell Spit đã nhắc tới ở trên đôi khi được mô tả như một cái bẫy cá voi. Khu vực này có một bờ biển dài nhô ra và thoai thoải khiến cá voi khó nhận thức được rằng chúng đã đi quá xa.
Người ta còn phỏng đoán, dòng hải lưu khó lường hay quyết định của con đầu đàn cũng có thể là nguyên nhân của hiện tượng này.
Những vụ chim chết hàng loạt đang xảy ra với tần suất đáng báo động trong những năm gần đây thường được xác nhận do các nguyên nhân ngộ độc, bị sét đánh hay mưa đá. Tuy nhiên chưa ai có thể vén bức màn bí mật tại "thung lũng chim tự sát" ở Ấn Độ.
Mỗi năm, người dân tại ngôi làng Jatinga ở huyện Dima Hasao, bang Assam lại chứng kiến cảnh chim đâm vào nhà, cây cối rồi chết hàng loạt. Có rất nhiều câu hỏi xung quanh trường hợp này: Tại sao chúng lại làm điều này? Tại sao chúng chỉ làm điều này dọc theo một đoạn đường nhỏ? Tại sao chuyện này chỉ xảy ra vào tháng Chín?
Và tại sao những con chim làm điều này sau khi mặt trời lặn, trong khi chúng thường chỉ hoạt động vào ban ngày? Nhiều nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây để tìm hiểu, điều tra về sự việc song cuối cùng vẫn phải khuất phục trước sự kỳ bí của tự nhiên.