Bí ẩn giống chè cổ Tây Yên Tử

Quốc Phương |

Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tưởng chừng đã được con người khám phá hết. Nhưng núi rừng tự nhiên luôn ẩn giấu những điều kỳ thú mà nếu có cơ duyên sẽ biết được một phần rất nhỏ bí mật của đại ngàn. Chỉ từ một mẩu thông tin trong câu chuyện tưởng chừng như vu vơ, chúng tôi liền lên đường, bắt đầu hành trình đi tìm loài chè cổ thụ đang còn tồn tại ở rừng nguyên sinh Tây Yên Tử.

Ngược suối, ngủ rừng săn chè cổ

Trong một lần trò chuyện với anh Nguyễn Quang Bách, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, anh rủ tôi: "Ở xã An Lạc còn mấy vạt chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS An Lạc đang khảo sát để làm đề tài nghiên cứu khoa học. Anh có thời gian thì đi cùng nhé". Không suy nghĩ nhiều, tôi liền xách ba lô tham gia hành trình khám phá thú vị đó.

Bí ẩn giống chè cổ Tây Yên Tử - Ảnh 1.

Ông Vi Văn Tằng (trái) kể về những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Vừa ăn xong bữa trưa, các thành viên trong đoàn đều là những thầy giáo có sức khỏe tốt vội vàng giục tôi: "Khẩn trương thì mới kịp anh ạ, mùa này trong rừng tối nhanh lắm. Nếu không xuất phát sớm sợ đêm không vào được đến nơi".

Tập kết ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS An Lạc, đoàn có thêm một nhân vật dẫn đường được các thầy giáo gọi vui là "thần rừng" vì ông thuộc rừng Khe Rỗ như lòng bàn tay. Dáng người gầy nhưng rắn chắc, "thần rừng" có tên là Vi Văn Tằng, dân tộc Tày, năm nay suýt soát 60 tuổi.

Gia đình ông Tằng ở thôn Biểng, xã An Lạc nhưng có lẽ thời gian ông gắn bó với rừng còn nhiều hơn những lúc ở nhà.

Bí ẩn giống chè cổ Tây Yên Tử - Ảnh 2.

Rừng Tây Yên Tử còn sót lại rất ít những cây chè cổ.

Nai nịt gọn gàng, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ, bám ngược dọc theo suối Khe Rỗ để xuyên rừng. Không phải lúc nào ven con suối cũng có đường để đi, nhiều đoạn chúng tôi tách khỏi dòng nước, leo lưng chừng núi hoặc cắt ngang lòng suối trèo qua những tảng đá trơn nhẫy để đến điểm dự định hạ trại.

Rừng Khe Rỗ biến ảo qua từng đoạn, có khoảng cây lá rậm rạp, nắng không lọt qua; giữa trưa mùa hanh khô mà tầng lá thấp ướt đẫm hơi nước, chỉ lơ đãng một chút là mất dấu của người đi trước.

Chúng tôi phải nhận biết đường đi bằng những vệt cây loang loáng, dưới chân là thảm lá rụng dày cả gang tay, không biết bước tiếp theo sẽ là đá tảng hay những bó rễ cây ngoằn nghoèo. Có đoạn thì rừng thưa, nắng bất chợt vỡ òa, nhảy nhót trên đường.

Đánh vật 4-5 tiếng đồng hồ xuyên rừng, lúc nhập nhoạng tối, cuối cùng chúng tôi cũng đến chỗ ông Tằng đã chọn trước để làm nơi nghỉ đêm.

Đó là đoạn lòng suối có nhiều tảng đá to, hai bên là hai cây si cổ thụ, một cây được cánh thợ sơn tràng gọi là cây si mặt quỷ vì đoạn dưới gốc có hàng trăm u bướu xù xì, nhìn rất đáng sợ.

Cây này còn được gọi bằng một cái tên khác là cây si 30-4 vì hằng năm, đúng ngày 30-4, quả si chín đồng loạt, các loài chim và sóc, cầy, lợn rừng… kéo hàng đàn về ăn.

Vừa tắt nắng, trong rừng đã lạnh buốt, tiếng suối ầm ì và những âm thanh lạ lùng của rừng già trong màn đêm làm bất cứ ai cũng thấy rờn rợn.

Mỗi người một cái đèn pin gắn trên trán, chúng tôi bắt tay vào sắp xếp đồ đạc, chỗ nghỉ tạm và quan trọng nhất là nấu bữa cơm giữa thiên nhiên hoang dã. Gạo và thực phẩm đã được chuẩn bị trước.

Với những đôi bàn tay tháo vát, nhanh nhẹn của ông Tằng và các thầy giáo, chỉ bằng hai cái xoong bé tẹo cùng những đôi đũa, ống nứa chặt vội trên rừng, bữa cơm đã nhanh chóng được bày ra.

Thậm chí, trong "thực đơn" còn có cả rau càng cua, lõi cây chuối rừng và ít tôm cá bắt ngay từ con suối chảy bên cạnh chỗ chúng tôi ngồi. Bên đống lửa hồng rực, câu chuyện về những cây chè cổ thụ dần hiện ra.

Chè cổ ở Khe Rỗ có vị đặc biệt, thơm hơn hẳn chè nơi khác, nước pha có màu vàng ánh xanh rất đẹp. Một ấm chè có thể thêm nước sôi 6-7 lần mà vẫn giữ được vị đậm đà, ngọt hậu. Dấu vết còn sót lại đến ngày nay là một vài vạt chè ở những khu vực như Pò Thác, Cáng Cai, Vệ Cường, Khe Lọ Mè Keo…

Không rõ từ bao giờ và cũng không ai nhớ chính xác đã bao nhiêu thời gian trôi qua, chỉ biết rằng thời loạn lạc từ hàng trăm năm trước, người dân nhiều nơi kéo lên rừng Khe Rỗ ẩn cư. Họ cứ đi ngược theo dòng suối lên tận vùng thâm sơn cùng cốc.

Điều này chúng tôi nhận rõ qua những mảnh bát đĩa cổ bị vỡ nằm rải rác dọc suối Khe Rỗ. Trong hành trang của họ ngoài lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu có lẽ có cả những cây chè quý.

Dấu vết còn sót lại đến ngày nay là những vạt chè ở khu vực Pò Thác, Cáng Cai, Vệ Cường, Khe Lọ Mè Keo… Không như những giống chè thông thường, chè cổ có những cây đường kính một, hai người ôm, cao cả chục mét.

Sau này một số người hay lên chăm sóc, thu hái nên người dân quen gọi là vườn ông Pán, ông Tính, ông Kim… nhưng những người này và con cái của họ cũng đã mất từ mấy chục năm trước rồi.

Những thế hệ như ông Tằng, 30-40 năm trước vẫn mang túi vào hái chè mỗi khi xuân về. Khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hằng năm, theo kinh nghiệm của nhiều người thì chè được xem là ngon nhất.

Khi đi hái phải mang theo dây thừng để leo lên cao, mỗi cây cho hàng chục ki lô gam búp tươi. Hái xong mang về sao chè bằng tay không trong chảo gang.

Nỗ lực gìn giữ

Sau một đêm mắc võng nằm giữa rừng, chống chọi với cái lạnh thấu xương và đủ loại âm thanh huyền bí, có lúc mưa rả rích, tôi gần như không ngủ được. Sáng sớm, sương theo tán lá rơi lộp bộp vào mặt khiến tôi tỉnh hẳn.

Hít thở bầu không khí trong lành rồi ăn vội bát cơm nguội, chúng tôi lên đường đến với những cây chè còn lại trong rừng. Đi thêm khoảng hai tiếng nữa, chúng tôi thấy một gốc chè được ông Tằng "trinh sát" từ chiều hôm trước.

Giữa bạt ngàn cây lá, cây chè hiện ra cường tráng, cao gần chục mét và đang ở độ sung mãn nhất. Tầng lá xanh thẫm, bóng loáng, nổi bật trên nền rừng, thân cây căng phẳng, vài chỗ bám địa y mốc trắng.

Bí ẩn giống chè cổ Tây Yên Tử - Ảnh 4.

Nhóm tác giả đề tài bảo tồn, nhân giống cây chè cổ thụ Tây Yên Tử và thầy giáo Hoàng Công Thắng tại khu vực vườn ươm của nhà trường.

Đưa tay vuốt dọc thân cây, ông Tằng bảo: "Khoảng vài chục năm nay, gần như không còn ai vào chăm sóc, thu hoạch chè nữa nên những cây chè cổ quý hiếm cứ chết dần.

Có những cây to hai, ba vòng tay người lớn mà chỉ sau vài năm tôi quay trở lại đã thấy bị lụi hết. Tiếc lắm nhưng không biết làm thế nào".

Thấy được nguy cơ có thể mất giống cây quý hiếm, các thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS An Lạc đã đăng ký thực hiện đề tài "Bảo tồn và nhân giống cây chè cổ thụ Tây Yên Tử - Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ".

Hai tác giả là Dương Thị Quyên, học sinh lớp 9A và Nguyễn Thị Thu Hà, lớp 9B với sự hướng dẫn của cô giáo Hoàng Mỹ Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn và thầy Chu Văn Dương, giáo viên môn Toán.

Trò chuyện với chúng tôi, em Dương Thị Quyên nói: "Qua những câu chuyện ông bà, bố mẹ kể lại chúng em biết trong rừng Khe Rỗ có giống chè cổ.

Nhưng gần đây vào rừng, chúng em thấy nhiều cây đã bị chết, với mong muốn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của quê hương, chúng em nảy sinh ý tưởng muốn bảo tồn và nhân giống chè cổ thụ này".

Được các thầy cô hướng dẫn, nhóm học sinh đã nêu được đặc điểm sinh trưởng của loài chè này là thường mọc trên những đỉnh núi cao, nhiệt độ thấp, quanh năm sương mù, mây phủ.

Cây có tán rộng, lá màu xanh, nhiều răng cưa, hoa màu trắng, cánh kép... Các em đưa ra hai phương pháp bảo tồn, nhân giống là gieo hạt và giâm cành.

Thầy giáo Hoàng Công Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS An Lạc trao đổi thêm: "Nhà trường luôn tạo điều kiện để nhóm tác giả và các thầy cô giáo hướng dẫn thực hiện thành công đề tài.

Trường dành một phần diện tích của vườn thuốc nam để triển khai một số phần việc như gieo hạt, giâm cành, theo dõi quá trình phát triển của những cây chè giống…

Trước mắt là giữ gìn nguồn gien quý hiếm của rừng Khe Rỗ, xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân xã An Lạc một loại cây trồng mới, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Góp sức hình thành một sản phẩm nông nghiệp độc đáo, thu hút sự chú ý của các cấp chính quyền và những nhà khoa học, quảng bá hơn nữa cho du lịch Bắc Giang".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại