Bí ẩn đằng sau hố tử thần khổng lồ sâu bằng tòa nhà 10 tầng ở Siberia

Đăng Nguyễn - CNN |

Vụ nổ khí metan cực lớn ở vùng Siberia vào năm ngoái để lộ một hố tử thần khổng lồ. Đây là hố tử thần thứ 17 xuất hiện ở vùng Bắc Cực thuộc Nga kể từ năm 2013.

Sử dụng phương pháp phân tích ảnh chụp, tái tạo hình ảnh 3 chiều và phân tích bằng trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học mới đây đã giải mã bí ẩn đằng sau hố tử thần trên.

“Hố tử thần gần như nguyên vẹn, lớp nước trên mặt đất chưa tích tụ xuống bề mặt bên trong. Chúng tôi tìm hiểu hố tử thần này như khi nó vừa mới xuất hiện”, Evgeny Chuvilin, chuyên gia đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo ở Moscow, nói.

Chuvilin là thành viên trong nhóm các nhà khoa học Nga từng đến quan sát trực tiếp hố tử thần vào tháng 8.2020. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng máy bay điều khiển từ xa để chụp lại hình ảnh hố tử thần ở độ sâu 10-15 mét dưới mặt đất.

Máy bay điều khiển từ xa đã chụp 80 bức ảnh, giúp các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình 3D của hố tử thần sâu 30 mét. Tác giả nghiên cứu, Igor Bogoyavlensky đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học Nga, nói ông đã phải nhoài người ra miệng hố tử thần có độ sâu tương đương tòa nhà 10 tầng để điều khiển máy bay.

Bí ẩn đằng sau hố tử thần khổng lồ sâu bằng tòa nhà 10 tầng ở Siberia - Ảnh 1.

Hố tử thần lộ diện ở Siberia hồi mùa hè năm ngoái.

“Chúng tôi mất tín hiệu điều khiển máy bay 3 lần, nhưng cuối cùng vẫn thu thập được đủ thông tin để xây dựng mô hình 3D”, ông Bogoyavlensky nói. Mô hình 3D cho thấy có khoảng trống như những hang động nhỏ ở phần dưới cùng của hố tử thần. Điều này xác nhận giả thuyết của các nhà khoa học, rằng khí metan tích tụ bên trong các khoang rỗng dưới lớp băng.

Khí metan tích tụ theo thời gian, đẩy lớp đất phía trên lên cao dần. Đến một thời điểm, vụ nổ lớn xảy ra, thổi bay đất và băng đá bên trên, để lại hố sâu khổng lồ. Hiện chưa rõ nguồn gốc khí metan là từ đâu. Các nhà khoa học nghi ngờ khí metan xuất phát từ các tầng sâu hơn trong lòng đất, hoặc từ lớp đất gần bề mặt hơn, hoặc kết hợp từ cả hai nguồn này.

Lớp băng vĩnh cửu ở Siberia là một bể chứa khí metan khổng lồ. Đây là loại khí nhà kính có tác động tồi tệ hơn nhiều so với khí CO2 ở khả năng khiến Trái Đất nóng lên. Lớp băng vĩnh cửu được ví như nắp đậy. Khi nhiệt độ mùa hè ngày càng cao, lớp băng vĩnh cửu dần bị mài mỏng, khiến khí metan càng dễ thoát ra hơn.

"Biến đổi khí hậu dĩ nhiên tác động tới khả năng xuất hiện những hố tử thần lan tỏa khí metan”, ông Chuvilin nói. Các nhà khoa học ước tính hố tử thần xuất hiện trong khoảng từ ngày 15.5-9.6.2020. Hố lần đầu được quan sát từ trực thăng vào ngày 16.6.2020.

Ông Chuvilin tin rằng thời điểm hình thành hố tử thần hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. "Đó là thời điểm mặt đất tiếp nhận nguồn nhiệt lượng rất mạnh từ Mặt trời. Băng tuyết tan dần, khiến các tầng phía trên của mặt đất bị đốt nóng", ông Chuvilin nói.

"Những hố tử thần như trên đại diện cho một quá trình trước đây giới khoa học chưa hề biết tới", Sue Natali, giám đốc chương trình Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell, nói.

"Những hố sâu và các biến đổi đột ngột trên khắp Bắc Cực là dấu hiệu cho thấy khu vực này đang nóng lên, khiến lớp băng vĩnh cửu tan nhanh, có thể gây ra hậu quả khủng khiếp cho cư dân ở đây, cũng như trên toàn cầu", bà Natali cảnh báo.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geosciences vào tuần trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại