Theo Live Science, cô gái Ai Cập này đã được chôn cách đây 3 thiên niên kỷ, trong một nghĩa trang lâu đời hơn con số đó vài thế kỷ. Cô qua đời trong độ tuổi 18-20.
Thứ khiến các nhà khoa học giật mình là một "vật thể lạ" nằm ngay vị trí xương chậu của cô gái. Nó là một khối thịt chứa hai chiếc răng.
Khối u quái được tìm thấy trong bụng cô gái Ai Cập
Kết quả phân tích tại Phòng khám Cleveland (Mỹ) xác định đó chính là u quái. Với niên đại 3.000 năm, đây là ví dụ lâu đời nhất về u quái từng được ghi nhận trong lịch sử.
U quái là một khối u có thể có cả cơ, da, tóc, xương, răng... thường xảy ra ở buồng trứng hoặc tinh hoàn.
Nó không phải là một phần của bất kỳ con người nào cả, mà do một vài tế bào gốc nào đó phát triển bất thường. Đó là loại tế bào có thể biệt hóa thành bất cứ dạng mô nào trong cơ thể.
U quái có thể gây đau, sưng tấy và nếu vỡ ra có thể gây nhiễm trùng. Ngày nay người ta có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u. Nhưng 3.000 năm trước thì khác.
Trước đây chỉ có 4 ví dụ khảo cổ về u quái, 3 ở châu Âu và 1 ở Peru.
Các phát hiện đặc biệt này thường đem lại nhiều khám phá mới, bao gồm sức khỏe - bệnh học con người cổ đại ở vùng đất đó cho đến hiện đại, sự phát triển của khoa học - y học, một số phong tục, nghi lễ liên quan đến căn bệnh...
Amarna là một thành phố cổ tồn tại trong thời gian ngắn ở bờ Đông sông Nile, nằm giữa các đô thị trù phú khác là Cairo và Luxor (Thebes cổ đại). Nó là trung tâm thờ cúng thần Mặt Trời Aten của Pharaoh Akhenaten và là nơi ông đóng đô.
Phế tích thành phố cổ Armana - Ảnh: EYGYPT TODAY
Thành phố cổ này có nhiều đền đài, cung điện, nhà cửa tráng lệ, với dân số khoảng 20.000-50.000 người nhưng nhanh chóng bị bỏ hoang 1 thập kỷ sau đó, khi Pharaoh Akhenaten qua đời và con trai ông - pharaoh lừng danh Tutankhamun (Vua Tut) - lên kế vị, dời đô về lại Thebes.