NHỮNG GIẢ THUYẾT MỚI
Nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Leo Schep từ Trung tâm nghiên cứu Độc dược Quốc gia New Zealand cho rằng Hoàng đế Alexander qua đời do uống rượu độc dược chiết xuất từ một loại cây vốn sản sinh ra chất cực độc sau khi lên men.
Tiến sĩ Schep, người đã nghiên cứu để thu thập bằng chứng về các độc dược trong một thập kỷ qua, cho rằng một số các giả thuyết về việc Hoàng đế bị đầu độc khác - như bằng thạch tín và strychnine - là không hợp lý bởi nó sẽ gây chết người ngay lập tức chứ không phải sau 12 ngày như theo ghi chép lịch sử.
Kết quả cũng tương tự như các độc dược khác như lá cây phụ tử, cây ngải đắng, cây kỳ nham và hoa nghệ tây.
Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Leo Schep với đồng tác giả Tiến sĩ Pat Wheatley từ Đại học Otago, được xuất bản trên tạp chí Clinical Toxicology cho thấy “thủ phạm” gây ra cái chết của Hoàng đế là lá cây lê lư trắng.
Các loài thảo dược cực độc như lá cây phụ tử, lá hoàng nham và lá lê lư trắng được cho là gây ra cái chết của Alexander Đại đế.
Loài cây có hoa trắng này sẽ trở thành chất cực độc sau khi lên men và được người Hy Lạp sử dụng làm thảo mộc để chữa bệnh. Giả thuyết của Tiến sĩ Schep đặt ra đó là cây lê lư trắng có lẽ đã được lên men làm rượu để dâng lên Hoàng đế.
Alexander có thể đã quá say trong buổi tiệc đó. Những triệu chứng gây ra sau khi nuốt phải loại cây này cũng trùng khớp với những mô tả về những gì xảy ra trong 12 ngày trước khi ông qua đời, bao gồm triệu chứng sốt cao - điều cho thấy Hoàng đế qua đời do nguyên nhân tự nhiên.
Tuy nhiên, cho dù Alexander bị đầu độc đi chăng nữa, thì vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy ông bị hạ độc thủ bởi các tướng lĩnh thân cận. Đã có một số ghi chép về một số trường hợp vô tình ăn phải cây lê lư trắng.
Năm 2010, tạp chí Clinical Toxicology có đăng một bài nghiên cứu về 4 trường hợp nói rằng họ đã ăn phải một loại tỏi dại nào đó. Khoảng 30 phút sau đó, họ bị nôn mửa, cảm thấy đau đớn và quay cuồng. Tuy nhiên, không giống như Alexander, họ đều sống sót.
Nhà nghiên cứu Schep cũng phối hợp với thám tử người Scotland John Grieve để thực hiện công trình nghiên cứu khác. Hai người đã phối hợp thực hiện bộ phim tài liệu “Cái chết bí ẩn của Alexander Đại đế” năm 2009.
Tuy nhiên, ông Grieve khi đó cho rằng cây lê lư trắng không phải do sát thủ hạ độc Hoàng đế như nhà nghiên cứu Schep nghi ngờ, mà là do các ngự y của Alexander vô tình kê đơn quá liều cho bệnh nhân.
Giả thuyết của ông Grieve nhận được sự đồng tình của chuyên gia người Anh Richard Stoneman.
Ông Stoneman nói: “Cây lê lư trắng là loại thuốc được nhiều ngự y thời cổ đại ưa dùng, và các ngự y của Alexander có thể đã tiếp cận một giống cây lạ ở Babylon hoặc thậm chí đọc nhầm nhãn thuốc của người Babylon”.
Quan tài được tái tạo lại của Alexander Đại đế trong Bảo tàng Khảo cổ học ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong bài thuyết trình tại một hội thảo tại Barcelona năm 2010, nhà sử học Adrienne Mayor và nhà nghiên cứu độc dược học Antoinette Hayes cho rằng đá vôi quanh sông Styx là nơi nuôi dưỡng một loại vi khuẩn cực độc có tên calicheamicin.
Các thí nghiệm hóa học đã được tiến hành để xác định xem liệu loại vi khuẩn này còn tồn tại đến nay hay không (dù chúng có thể đã biến mất nhiều thế kỷ trước).
Mayor và Hayes cho rằng calicheamicin có thể đã gây ra các triệu chứng giống như của Hoàng đế Alexander trước khi qua đời - bao gồm triệu chứng sốt cao.
Nghiên cứu của ông Mayor và Hayes có thể cho thấy rằng Alexander đã bị ám sát, dù các tác giả không tiến xa nghiên cứu về chủ đề này. Họ quan tâm hơn đến việc lý giải truyền thuyết thay vì cái chết bí ẩn đó.
Giả thuyết của họ đó là nước sông Styx huyền thoại chứa chất cực độc và là nguyên nhân khiến tướng Antipater và các con trai của ông là những kẻ tình nghi hàng đầu trong thế giới cổ đại đã đầu độc Hoàng đế Alexander.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những giả thuyết như vậy về âm mưu của tướng Antipater có thể giúp lý giải bí ẩn này hay không.
Nhưng rõ ràng rằng cách tiếp cận của Mayor-Hayes, vốn đưa ra lý giải hợp lý phù hợp giữa các độc dược tồn tại ở thế giới cổ đại với các triệu chứng được ghi nhận của Alexander, đã dần trở thành con đường sáng tỏ nhất để vén bức màn bí ẩn này.
Nếu xác ướp của Alexander được tìm thấy (một số nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục công cuộc này), chúng ta có thể cuối cùng sẽ hiểu được nguyên nhân cái chết bí ẩn của ông.
Tuy nhiên, xác ướp của ông đã biến mất vào thế kỷ thứ III hoặc thứ IV sau Công nguyên (trước đó xác ướp đã được trưng bày ở lăng mộ tại thành phố Alexandria).
Trong khi vẫn thiếu bằng chứng cụ thể và ghi chép lịch sử về cái chết của Alexander Đại đế, rất khó để phát triển các thuyết âm mưu khác nhau.
Bởi vậy, điều dễ dàng hơn cả đó là chúng ta nên tin rằng Alexander đã qua đời do bệnh hiểm nghèo, bất chấp có nhiều công trình đang cố gắng chứng minh điều ngược lại.