Từ những chiếc siêu xe nguyên giá triệu đô...
Trong giới thiếu gia chơi siêu xe, Phó tổng giám đốc Nhựa Long Thành Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) và Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) vốn nổi danh là những người chi tiền đậm nhất cho thú chơi xa xỉ này.
Điểm chung của hai vị này là thích các mẫu xe thể thao thiên về tốc độ và sức mạnh, với bộ sưu tập thay đổi liên tục qua các năm.
Với hành trình siêu xe Car&Passion 1 nổi tiếng báo giới trong và ngoài nước, Cường Đôla từng đổi "gu" chơi siêu xe từ thể thao đắt tiền sang dòng xe doanh nhân và các mẫu xe rẻ, trước khi quay trở lại với các mẫu xế hộp đình đám của McLaren, Ferrari và Lamborgini.
Lamborghini Huracan là chiếc xe đầu tiên đánh dấu thời điểm quay trở lại với siêu xe của Cường Đôla. Siêu xe này trước thuộc sở hữu của một ông chủ công ty bất động sản nhưng sau đó bán lại. Giá xe mới khoảng 500.000 USD.
Nguồn ảnh: Zing.
Trong vài tháng trở lại đây, Cường Đôla liên tiếp sắm siêu xe mới, McLaren 570S, Ferrari 488 GTB, Ferrari F12 Berlinetta hay Maybach 62S. Nhưng thời gian các mẫu xe này ở lại trong gara nhà thiếu gia Gia Lai rất khác nhau. Ví như chiếc McLaren 570S có giá cơ sở khoảng gần 200.000 USD đã bị bán rất nhanh để chủ nhân "xoay" đủ tiền mua chiếc Ferrari F12 Berlinetta.
Chiếc McLaren 570S bị bán đi để đón xe Ferrari F12 Berlinetta có giá cơ bản khoảng 300.000 USD. Nguồn ảnh: Zing.
Tương tự, thiếu gia Minh Nhựa cũng từng chia tay chiếc xe làm nên tên tuổi là Bugatti Veyron màu trắng - đỏ đời 2008 vốn có giá khi về Việt Nam được đồn đoán khoảng 1,4 triệu USD và chi phí sử dụng hàng năm lên tới 150.000 USD.
Chiếc Bugatti Veyron độc nhất Việt Nam vốn gắn với tên tuổi Minh Nhựa cũng đã đổi chủ. Nguồn ảnh: Zing.
Ngoài ra, chiếc xe khác của Minh Nhựa là Lamborghini Mucielago LP670 SV được nhập về Việt Nam năm 2010 cũng bị rao bán. Thời điểm chiếc Lamborghini Mucielago bị bán cũng là lúc Minh nhựa cần tiền để mua chiếc "thần gió" Pagani Huayra.
... đến giá thực qua những tay buôn xe lướt
Điều dễ nhận thấy là danh sách siêu xe thuộc sở hữu của các doanh nhân trẻ tại Việt Nam thay đổi khá thường xuyên, trong đó có cả những mẫu xe từng gắn liền với tên tuổi của các doanh nhân khác. Tuy nhiên, do không phải chiếc siêu xe nào cũng có nguồn bán chính hãng tại Việt Nam, nên mức giá khi đến tay những tay chơi này chỉ là sự đồn đoán của dân buôn xe cũ.
"Những người chơi xe ở Việt Nam rất thông minh", ông chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối siêu xe chính hãng về Việt Nam từng nhận xét như vậy về thu chơi xe và chọn xe của nhiều doanh nhân Việt.
Theo vị này, thay vì mua những chiếc xe mới xuất xưởng, nhiều người chọn mua xe đã qua sử dụng với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Với những người trong nghề, loại xe này được gọi là xe lướt hoặc xe tua máy.
"Thanh niên thường dễ thay đổi, nay thích thế này, mai thích thế khác, vì vậy, lựa chọn một chiếc xe cũ hợp lý hơn nhiều so với mua xe nguyên tem. Hơn nữa, ở Việt Nam, phần lớn những chiếc xe chỉ được chú ý khi ai đó mua về, còn chuyện bán lại ra sao, vào lúc nào lại chẳng mấy người quan tâm.
Nhiều siêu xe được mua đi bán lại, với giá sang tay có thể chỉ khoảng 100.000 - 200.000 USD, chi phí thuế cũng giảm bớt nhiều so với mua xe mới nguyên. Tiền dùng cho thú chơi xe cũng được quay vòng liên tục một cách thông minh", chủ doanh nghiệp phân phối siêu xe chính hãng này cho hay.
Vị này cũng khẳng định, những người như doanh nhân giàu thứ hai sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết, ông trùm nhà giá rẻ Lê Thanh Thản hay doanh nhân Hoàng Khải, bà Dương Thị Bạch Diệp... có thú chơi xe khác hẳn.
"Với các siêu đại gia, thay vì bán xe cũ mua xe mới, họ giữ lại các mẫu xe đã sở hữu và gia tăng bộ sưu tập. Vậy nên rất khó thấy những mẫu xe của các đại gia này được sử dụng bởi một cá nhân khác, hoàn toàn đối lập với cách các doanh nhân trẻ thường làm".
Ngược với quan điểm này, các đơn vị chuyên nhập khẩu hộ xe lướt cho dân chơi xe ở Việt Nam cho rằng, xác định giá của một chiếc siêu xe không thể chỉ dựa vào việc nó có được rao đi bán lại hay thuộc dòng xe phân phối chính hãng hay không.
"Đúng là một số chiếc xe của Nhật Minh và Quốc Cường là xe lướt hoặc tua máy, nhưng không phải cứ xe lướt là rẻ hơn chính hãng. Nguyên nhân có thể bởi dòng xe ấy ở Việt Nam không có hàng chính hãng để mua, nhưng cũng có thể là nhằm giảm bớt số thuế đánh mặt hàng xa xỉ này".
Cụ thể, giới nhập xe lướt cho biết, những chiếc Lamborgini có thể mua được hàng chính hãng ở Việt Nam chỉ bao gồm dòng Huracan và Aventador bản thường. Trong khi, những chiếc xe dòng hiếm như Pagani Huayra vốn không có hàng bán ở Việt Nam. Lựa chọn duy nhất cho những tay chơi là nhập xe từ nước ngoài về.
"Những dòng xe hiếm vừa xuất xưởng đã có người đặt mua hết, trong đó có một phần mua để găm hàng bán lại giá cao. Vậy nên khi về Việt Nam, qua nhiều cửa, tính cả thuế (đã lách), nhiều chiếc xe vẫn có giá bán ở mức 30 tỷ đồng chứ không kém hơn".
Trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp những chiếc siêu xe, đặc biệt là phiên bản giới hạn, có mức giá chênh lệch khá lớn giữa hàng đã qua sử dụng và hàng mới. Mới đây, chiếc McLaren P1 GTR "hàng hiếm" màu xanh dương nổi bật đã tua máy được khoảng 245 km có giá rao bán tới 3,5 triệu đô (khoảng 77,8 tỷ đồng) dù xe mới xuất xưởng chỉ niêm yết ở mức 73 tỷ đồng.
Thậm chí, một chiếc LaFerrari chưa bóc tem có giá xuất xưởng khoảng 1,3 triệu Euro, tương đương 1,77 triệu USD, nhưng từng được sang nhượng lại với giá lên đến 2,38 triệu Euro (tương đương với 3,25 triệu USD). Lý do là bởi khách hàng phải có đủ quota Ferrari để được vào danh sách 45 cái tên được mua chiếc LaFerrari.