Bêu rếu người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?

Chung Thủy |

Hành vi bêu rếu người khác trên mạng xã hội thể hiện sự vô cảm, thiếu hiểu biết theo quy định của pháp luật cũng như thể hiện trình độ, nhận thức pháp luật rất kém. Hành vi này là vi phạm pháp luật và phải được xử lý thật nghiêm.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, hầu như ai cũng có 1 tài khoản và coi đó như là “ngôi nhà” thứ 2 của mình. Mọi buồn, vui, tức giận, phẫn uất có thể “khoe” hay “trút giận” lên đó để “câu like” hay mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội một cách quá đà, không am hiểu pháp luật sẽ khiến người khác bị tổn thương tâm lý và để lại hậu quả khôn lường.

Cá biệt, gần đây, vụ việc cháu bé N (5 tuổi, được ba mẹ gửi sang nhà bà ngoại ở thành phố Buôn Ma Thuột) đã tự mình vào một cửa hàng quần áo, phụ kiện trên đường Y Ngông (phường Tân Tiến). Tại cửa hàng, cháu N có cầm đi một vòng tay cao su màu trắng, có giá khoảng 10.000 đồng, chị T chủ cửa hàng phát hiện hành vi này nên đã chặn cháu bé lại, hỏi địa chỉ nơi cháu sinh sống nhưng cháu bé không trả lời.

Tiếp đó, chị T chụp ảnh, quay lại hình ảnh của bé N và đưa lên trang facebook cá nhân. Hành động này đã gây bức xúc trong cộng đồng mạng.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, khi nhìn thấy bức hình này, chị thấy thương em bé bao nhiêu thì giận chủ shop bấy nhiêu. Giả sử nếu em bé có lỗi thì thay vì đăng hình, chủ hàng nên nói chuyện, trao đổi với bố mẹ em để từ đó có phương án giáo dục em tốt hơn.

Cùng quan điểm, anh Đinh Văn Năng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc đăng ảnh trẻ em hay bất cứ ai lên mạng để bêu rếu là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư. Hiện nay đã có luật sử dụng mạng xã hội, thế nên trước khi đăng một bức ảnh nào đó có nội dung nhạy cảm, liên quan đến người khác thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi làm.

“Tôi rất phản đối những bài viết đăng hình phê phán, diễu cợt hay bêu rếu người khác trên mạng xã hội. Trước khi làm bất cứ việc gì thì nên cân nhắc, xem là việc làm của mình có gây ảnh hưởng xấu hay bất lợi đến cá nhân đó không? Những hành vi này cần được lên án và xử phạt thật nghiêm”, anh Năng cho hay.

Bêu rếu người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Cộng đồng mạng chê trách chủ shop thời trang khi bêu riếu bé gái 5 tuổi trên mạng xã hội.

Hành vi bêu rếu người khác trên mạng xã hội là không thể chấp nhận được, dưới góc độ pháp lý sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, hành vi thóa mạ, bêu rếu người khác ở nơi đông người, trên mạng xã hội thể hiện sự vô cảm, thiếu hiểu biết theo quy định của pháp luật cũng như thể hiện trình độ, nhận thức pháp luật rất kém.

Ở góc độ pháp luật, quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín đã được quy định trong điều 34 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó, danh dự, uy tín của các cá nhân là bất khả xâm phạm và cần được pháp luật bảo vệ. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân được đăng tải trên các phương tiện nào thì cần được gỡ bỏ và cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được các cơ quan, tổ chức cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ, các cá nhân bị các thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự uy tín thì ngoài việc yêu cầu bác bỏ thông tin thì còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi, cải chính thông tin.

Đối với hành vi đăng tải các thông tin trẻ em lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự nhân phẩm như trường hợp trên là hoàn thành sai quy định và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bêu rếu người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, hiện nay, do thiếu hiểu biết pháp luật, do ý thức kém hoặc do việc sử dụng mạng xã hội để giải trí, rất nhiều người lớn đã ghi lại những hình ảnh thú vị trong cuộc sống hàng ngày của các em nhỏ để làm kỷ niệm, việc đó không có gì là xấu, tuy nhiên, nhiều người lại lựa chọn cách đăng tải lên mạng xã hội để câu like mà không quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra cho trẻ em sau này. Đặc biệt, với sự lan tỏa các thông tin nhanh chóng trên mạng xã hội thì những hành vi quay video để bêu xấu rồi trách móc các em nhỏ trên mạng xã hội lại càng bị nhiều người chú ý, từ đó vô tình tạo nên những ảnh hưởng tâm lý rất xấu đối với các em. Điều này khiến các em lo sợ rằng, những hành vi của mình đều bị mọi người biết đến, các em sẽ dần thu mình lại, sống khép kín, không dám giao tiếp với ai, điều đó gây ra hiệu quả nghiêm trọng đến sự phát triển sau này.

“Việc người lớn tự ý đăng tải các thông tin của trẻ em lên mạng nguyên nhân là do sự vô ý cũng như không quan tâm đến cảm nhận của các em, một phần nữa là do sự thiếu kiến thức về pháp luật và do việc xử phạt với hành vi này còn ít. Nhiều người vẫn nghĩ, việc tự ý đưa hình ảnh của các em lên mạng để câu like là chuyện bình thường. Do vậy, cần có hành vi tuyên truyền phổ biến bảo vệ quyền trẻ em cũng như xử lý những trường hợp vi phạm để răn đe, để tuyên truyền đối với những người có hành vi vi phạm”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Trở lại câu chuyện em bé bị chủ shop ở Đắc Lắk chụp hình đưa lên mạng xã hội, luật sư Hà cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cháu bé 10 tuổi nếu có vào lấy 1 món đồ rất nhỏ nhưng thay vì xử lý bằng hình thức giáo dục, nói chuyện với phụ huynh cháu bé, người giám hộ của cháu thì lại công bố hình ảnh của cháu không che mặt lên mạng xã hội. Với hành vi này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt vi phạm hành chính, ngoài ra, đối tượng vi phạm còn buộc phải xin lỗi khi có yêu cầu phải thu hồi, gỡ bỏ các thông tin đã cung cấp lên mạng. Trong nghị định 130/2021 về xử phạt hành chính cũng quy định là sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi công bố tiết lộ các thông tin của trẻ em lên mạng xã hội.

Ở góc độ rộng hơn, luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, những nội dung, thông tin trên mạng xã hội được điều chỉnh, hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế và cũng chưa cụ thể hóa, bao quát được các đối tượng, các hành vi sai phạm, chế tài xử lý, chưa đảm bảo được tính răn đe. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thì cần có thủ tục nhanh gọn hơn, vấn đề này không hề dễ vì không chỉ trẻ em mà các đối tượng khác cũng rất cần được bảo vệ, cần được xử lý nhanh từ cơ quan chức năng. Với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nói riêng và bảo vệ an ninh mạng nói chung cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn. Có như vậy mới tăng cường tính răn đe và có cơ sở để xử phạt các hành vi vi phạm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại