Tính đến ngày 7/11, cả nước đã có 36 trường hợp nhiễm virus Zika, riêng TPHCM đã có 29 người mắc bệnh này (4 người là thai phụ).
Không tạo điều kiện cho muỗi phát triển
Hiện tại, thời tiết phía Nam vừa nắng nóng lại đang bước vào mùa mưa nên là "thời gian vàng" cho muỗi sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, ở những khu vực đông dân như: khu công nghiệp, khu dân cư, những địa phương có kênh rạch… nếu không giữ vệ sinh chung sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và trở thành "rốn dịch".
Riêng TP.HCM có đặc điểm rất đa dạng về sinh thái, tình trạng ổ bọ gậy nguồn, tập quán hành vi của người dân… Vì vậy, giải pháp đối với TP.HCM là phía y tế cùng với chính quyền sẽ xác định tất cả điểm nguy cơ trên địa bàn thành phố (điểm có mật độ muỗi cao, có ca bệnh) để tiến hành phun hóa chất, diệt muỗi triệt để.
Trung tâm y tế dự phòng Sở Y tế TPHCM triển khai phun thuốc diệt muỗi tại nơi làm của thai phụ nhiễm virus Zika. Ảnh: Như Sỹ
Tuy nhiên, việc phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời, "hạ hỏa" dịch bệnh, nhằm giảm nhanh quần thể muỗi. Để duy trì hiệu quả kiểm soát muỗi một cách bền vững lâu dài, việc diệt muỗi, loăng quăng cần cộng đồng cùng tham gia.
ThS Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đường lây truyền bệnh chính của virus Zika là do muỗi mang virus trên. Việc làm đầu tiên và kiên quyết hiện tại là tiêu diệt muỗi nơi ở.
Ông Tấn cũng kêu gọi người dân hãy cùng các trung tâm y tế dự phòng địa phương đẩy lùi bệnh bằng cách phối hợp để nhân viên y tế dự phòng đến phun thuốc, diệt môi trường sống của muỗi, không để nước tồn đọng khi không sử dụng, giữ vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hợp lý.
Mỗi nhà đều có thể tự thực hiện diệt muỗi bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước xung quanh nhà; thường xuyên thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào chân chén.
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh Zika
Ngoài ra, bệnh Zika cũng lan truyền qua đường máu, mẹ từ sang con, đường tình dục… vì vậy trong giai đoạn này, các cặp vợ chồng và bạn tình nên thực hiện tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
Ông Tấn cho biết: "Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh Zika. Nếu một người có các triệu chứng như sốt, đau cơ, đau mắt, mệt mỏi… thì phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất khám bệnh, phải làm các xét nghiệm để có thể phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời nếu như mắc bệnh Zika. Tránh lây lan sang người thân, hoặc những người xung quanh".
ThS Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ảnh TGTT.
Việc khó khăn nhất hiện nay là để xét nghiệm xem một người có mắc Zika hay không thì phải sau 7 ngày mới có kết quả. Xét nghiệm thai nhi có bị dị tật đầu nhỏ hay không thì phải tuần thai thứ 28 mới có thể đánh giá được. Điều này gây ra nhiều hậu quả về tâm lý, tinh thần của thai phụ, nhất là những phụ nữ có con muộn, hay gia đình hiếm muộn.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nếu một người bị muỗi nhiễm virus Zika đốt, thì có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 14 ngày. Sau đó, người này sẽ có các biểu hiện phát ban, sốt nhẹ, viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp…
Lúc này, gia đình cần phải bảo vệ người bệnh trong vòng 7 ngày kể từ ngày khởi bệnh tránh lây cho muỗi và cho người khác.
Khu vực có người bệnh mà có muỗi vằn, thì khả năng muỗi bị lây nhiễm virus Zika là rất cao. Vì vậy khi người nhà đã nhiễm bệnh, thì phải báo ngay cho trung tâm y tế địa phương để được hướng dẫn cách phòng tránh lây lan bệnh cho toàn khu vực.
Các triệu chứng của virus Zika đối với người lớn và trẻ em thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có một tỉ lệ nhất định có biểu hiện viêm đa rễ dây thần kinh song hầu hết là hồi phục hoàn toàn.
Trước tình hình trên, Việt Nam đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika lên cấp 3.
Bệnh Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn (Aedes Aegypti) cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng và Chikungunya. Người bị muỗi chích mang virus và sau 8 đến 10 ngày, muỗi chích người lành sẽ truyền virus sang người lành và gây nhiễm bệnh. Bệnh còn lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và truyền máu.
Có khoảng 60 - 80% người nhiễm virus Zika là không có biểu hiện bệnh. Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện bệnh sau khi bị nhiễm vi rút từ 3 ngày đến 14 ngày. Bệnh thường nhẹ, điều trị ngoại trú với các biểu hiện thường gặp như phát ban, sốt (thời gian sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày), viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp.
Theo phân tích triệu chứng trên số bệnh nhân Zika tại khu vực phía Nam từ đầu năm 2016 đến nay thì 100% bệnh nhân có phát ban và sốt, 79% có đau cơ, 45% đau khớp, 27% có triệu chứng khác và 18% có viêm kết mạc.
Phần lớn triệu chứng của virus Zika gây ra là ở dạng nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika thì có một tỉ lệ rất nhỏ gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ mắc chứng đầu nhỏ của trẻ sơ sinh từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong thời kì mang thai trong khoảng từ 1 -13%.
Hiện nay, đã có 6 tỉnh, thành phố tại Việt Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika (chủ yếu ở khu vực miền Trung, miền Nam). Đây cũng là những khu vực lưu hành bệnh sốt xuất huyết.
Bộ Y tế không khuyến cáo việc hạn chế đi lại của người dân tới các vùng có bệnh, nhưng đối với phụ nữ dự định có thai hoặc đang mang thai thì không nên đến những vùng có bệnh nếu không thật sự cần thiết.
Để ngừa muỗi đốt chúng ta có thể sử dụng những loại kem xoa đuổi muỗi, mặc quần áo dài, mắc màn khi ngủ, hạn chế đi đến khu vực có nhiều muỗi, tham gia diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại khu dân cư, gia đình.