Các bệnh viện thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia
Chiều qua (23/5), gia đình bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã làm lễ an táng cho bé trong sự đau xót, tiếc thương vô hạn.
"Tôi đã biết con bị rắn độc cắn, cấp tốc đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm, đã đến bệnh viện lớn của tỉnh rồi mà cuối cùng vẫn bất lực không cứu được con" - chị T. (mẹ bé N.) khóc nghẹn khi chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ.
Trao đổi với báo trên, ông Sô Minh Chiến - chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết, vợ chồng chị T. mới ra dựng nhà sàn ở riêng, xung quanh thoáng đãng nhưng không hiểu sao rắn độc cạp nia lại lên được nhà lúc đêm tối và cắn bé N. đang ngủ.
Khoảng hơn 0h ngày 16/5, chị T. thức dậy thấy bé N. ói mửa, lơ mơ. Khi kéo chiếc màn thì thấy con rắn cạp nia đang ở ngay dưới chân con gái nên vợ chồng chị đánh chết rắn, đồng thời chụp lại ảnh con rắn để đưa cho bệnh viện.
"Biết đây là loại rắn độc, vợ chồng chị thuê ôtô ở gần nhà chở con đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu. Ngay trong đêm, cháu N. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên để cấp cứu và điều trị. Nhưng cuối cùng cháu không qua khỏi" - ông Chiến xót xa.
Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 2h30’ sáng 16/5, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy.
"Bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, chúng tôi liên hệ bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này nên không thể đưa bé chuyển viện được", báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Phạm Văn Minh.
Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã đưa cháu N. về nhà trong đêm 21/5, đến rạng sáng 22/5 thì nạn nhân tử vong.
Bệnh viện lý giải lý do thiếu huyết thanh
Huyết thanh kháng nọc rắn là thuốc giải nọc độc rắn, tức là chế phẩm chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu nọc rắn tương ứng, lấy được từ huyết thanh gia súc khỏe mạnh (ngựa, cừu, la, lừa) đã được miễn dịch với nọc rắn.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trên báo VnExpress, có hai loại huyết thanh nọc rắn là huyết thanh đơn giá (kháng một loại nọc rắn) và huyết thanh đa giá (điều trị chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất).
Loại huyết thanh nọc độc rắn cạp nia trước đây được nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên từ đợt Covid-19 bùng phát vào năm ngoái cho đến nay, nguồn cung cấp này chưa có hàng trở lại nên thị trường thiếu huyết thanh.
Tại bệnh viện, có năm tiếp nhận điều trị 1 ca bị rắn cạp nia hay rắn hổ mèo cắn nhưng có năm không có bệnh nhi nào. Khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhi này mà hết huyết thanh thì sẽ hỏi mượn huyết thanh từ những bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Còn khi ngay cả hai bệnh viện này cũng hết huyết thanh thì bệnh viện cũng đành chịu.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết, hiện bệnh viện đang thiếu huyết thanh cạp nia và huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo.
Vị này cho hay, do những loại huyết thanh này rất ít khi được sử dụng đến nên công ty nhập loại huyết thanh này thường ít nhập về.
Từ thực tế trên, vị lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP cũng đề xuất Bộ Y tế đứng ra lo vì đây là những loại thuốc "cấp cứu" bệnh nhân.
Cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau. Loài rắn này phổ biến ở Việt Nam, sống hoang dại, là rắn độc.
Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Hiện một số loại rắn có độc như rắn lục tre, rắn hổ, chàm quặp... có huyết thanh kháng nọc độc. Nạn nhân bị các loài rắn độc này cắn vào viện được truyền huyết thanh giải độc ngay thì hiệu quả điều trị rất cao, chỉ khoảng 2-3 ngày là ổn định sức khỏe.
Tổng hợp