Bệnh viện “hụt hơi” khi tự chủ toàn diện

Thúy Ngà/VOV1 |

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã phải xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm để chuyển sang thực hiện tự chủ theo (nhóm 2) của Nghị định số 60. Việc tự chủ toàn diện trong 2 năm qua đã khiến bệnh viện hụt hơi và gặp nhiều khó khăn.

Phải mất 3 ngày chờ đợi sau khi được thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm, chị Ngọ Thị Minh ở Thanh Hóa mới đến lượt được chụp cộng hưởng não để kiểm tra bệnh đau đầu tại BV Bạch Mai.

Quá tải, chật chội do mỗi ngày có từ 6.000-10.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, việc chờ đợi đến lượt khám, xét nghiệm, siêu âm… cũng càng kéo dài thêm.

"Mình ở Nghệ An ra bệnh viện từ chiều qua, chờ đợi mệt mỏi quá. Số khám là số 1 nhưng xuống đến đây chụp là số 57, mất công chờ từ sáng mà giờ họ hẹn đến chiều mới được làm"- một người bệnh đến khám tại bệnh viện chia sẻ.

Bệnh viện “hụt hơi” khi tự chủ toàn diện - Ảnh 1.

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh minh họa)

Là 1 trong 4 bệnh viện (bao gồm BV Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy) được giao thí điểm tự chủ toàn diện đầu tiên trong cả nước theo Nghị quyết số 33 vào đầu năm 2020, thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến BV Bạch Mai bị phong tỏa ngay sau đó. Hai năm qua, bệnh viện đã hỗ trợ sức người, sức của chống dịch trên khắp cả nước, nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong hai năm 2020-2021 so với năm 2019. Đến thời điểm này, dù số bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đã tăng mạnh, song do các quy định mới về máy móc liên doanh liên kết, việc đấu thầu thuốc, vậy tư bị chậm đã dẫn đến nguồn cung từ bệnh viện không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Theo Nghị quyết 33, bệnh viện tự chủ toàn diện được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý mà không cần thông qua Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phụ trách phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai, với giá dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ được tính 4/7 yếu tố cấu thành trong khi bệnh viện lại chưa được quyết định giá khám chữa bệnh phù hợp để có thể đảm bảo nguồn thu cho phát triển, nguồn chi trả cho nhân viên y tế dẫn đến “hụt hơi” trong 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33.

"Với bệnh viện tự chủ, thực sự là nếu 4/7 yếu tố thì hoàn toàn không thể tự chủ được. Bởi tự chủ toàn diện đầu tiên là phải tự chủ về giá. Sau đó tự chủ nhân sự, tự chủ với giá lên là vì hiện nay Bộ Y tế mới duyệt 4/7 yếu tố. Tuy nhiên thực tế có những dịch vụ chỉ có 1/7 yếu tố, đặc biệt là các dịch vụ phẫu thuật thủ thuật gọi 4/7 thì chỉ 1/7 yếu tố đó là điều bất cập; Đồng thời 4/7 yếu tố là xây dựng từ năm 2019 trở về trước thì đến 3, 4 năm yếu tố trượt giá, vật tư tiêu hao thuốc men. Ví dụ duyệt chi phụ cấp kíp mổ là 1.080.000 đồng, bệnh viện chi trả thực tế là 1.520.000 đồng, đặc biệt tự chủ trong thời điểm dịch nên không đảm bảo cân đối thu chi"- bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, mô hình của bệnh viện tự chủ cũng thể hiện nhiều bất cập khi vai trò của hội đồng quản lý và Ban giám đốc đang bị chồng chéo, không xác định được ai là người đứng đầu bệnh viện. Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là dù thực hiện tự chủ tài chính toàn diện nhưng bệnh viện không được tự quyết về giá mà vẫn phải theo khung giá chung. Giá dịch vụ theo yêu cầu cũng phải tính theo khung giá nhưng đến nay Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này. Theo quy định, BV được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư. Với cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa đồng bộ, trong khi 90% người bệnh đến khám chữa bệnh có BHYT, thuộc các đối tượng chính sách, việc tự chủ toàn diện cũng đồng nghĩa với bệnh viện phải tự bơi, tìm mọi cách để tăng nguồn thu bù chi. Như vậy người thiệt thòi sẽ chính là người bệnh, người nghèo.

"Theo tôi trong giai đoạn hiện nay chưa nên thực hiện tự chủ toàn diện mà nên thực hiện tự chủ theo Nghị định 60 của Chính phủ ban hành năm 2021 và những bệnh viện tuyến cuối nên thực hiện nhóm 2 trong giai đoạn hiện nay. Tự chủ cho bệnh viện thì tôi cũng hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên việc thực hiện cần có lộ trình và chúng tôi hiểu rằng bệnh viện tự chủ chứ không phải tự trị bệnh viện tự chủ chứ không phải tự chịu, vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ vẫn cần sự giám sát, hỗ trợ từ Chính phủ từ Bộ Y tế, Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội phục vụ chăm sóc, điều trị cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng"- PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết.

Nghị định số 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, bao gồm: Danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị... Trong đó nhóm hai không cần tự đảm bảo chi phí đầu tư như nhóm một, chỉ tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý... Hiện BV Bạch Mai và BV K đều đang xin thực hiện tự chủ theo nhóm 2 của Nghị định này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại