Trước đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã phát hiện nhiều bất thường trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT tại nhiều tỉnh.
Trong đó tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có 2 trường hợp bệnh nhân đã chết nhưng vẫn phát sinh hơn 10,4 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh.
Cụ thể trường hợp bệnh nhân có mã thẻ NHT2424216451XXX chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tử vong từ ngày 2/6/2019, nhưng trên hồ sơ vẫn tiếp tục đề nghị BHXH thanh toán 12 lượt khám, chữa bệnh từ ngày 3/6 - 28/6 với số tiền hơn 8,5 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc này, bác sĩ Hoàng Song Hào, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay, do nhân viên không biết cách thao tác xoá dữ liệu của bệnh nhân trong phần mềm bảo hiểm dẫn đến hệ thống tự cập nhật.
Bác sĩ Hào lý giải, giữa bệnh viện và BHXH tỉnh Hà Tĩnh có sự thống nhất 1 tháng sẽ thanh toán một lần vì bệnh nhân này là chạy thận cố định. Bởi đối với bệnh nhân chạy thận hầu như mỗi lần chạy thận các thông số đều giống nhau.
Để tiết kiệm thời gian, thông thường các nhân viên sẽ copy từ tháng trước đến tháng sau để sửa trong hệ thống, tuy nhiên do không biết cách ngừng, xóa dữ liệu nên khi kết thúc phần mềm sẽ tự động đẩy lên.
“Khi phát hiện bệnh nhân qua đời, điều dưỡng hành chính đã dừng thống kê nhưng không biết thao tác xoá dữ liệu, cũng không hỏi bộ phận công nghệ thông tin nên kết thúc phần mềm tự động đẩy lên.
Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ở bệnh viện, còn những sai sót nhỏ khi phát hiện bệnh viện cũng phối hợp với bảo hiểm sửa kịp thời”, bác sĩ Hào cho hay.
Cũng theo đại diện phía Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, giám định bảo hiểm và phần mềm quản lý bảo hiểm là một cái mới, nên không tránh khỏi những sai sót. Hiện phía bệnh viện đã làm việc với BHXH Hà Tĩnh và có kết luận về vấn đề này.
Theo kết luận của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt nam về việc kiểm tra những trường hợp có dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám bệnh bảo hiểm y tế, cho thấy trên địa bàn tỉnh có 10 trường hợp chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh không hợp lý.
Trong đó tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có 2 trường hợp là bệnh nhân Nguyễn Thị Hà và ông Trần Nuôi. Tổng chi phí phát sinh 2 trường hợp là hơn 10,4 triệu đồng.
Về nguyên nhân, BHXH cho biết, do điều dưỡng hành chính của khoa Cấp cứu – chống độc căn cứ vào danh sách bệnh nhân chạy thận chu kỳ của tháng trước và lịch chạy thận của từng bệnh nhân để nhập dữ liệu vào phần mềm HIS của bệnh viện và thống kê chi phí khám chữa bệnh BHYT cho tháng sau.
“Khi phát hiện bệnh nhân không đến chạy thận do đã qua đời, điều dưỡng hành chính của khoa đã dừng thống kê chi phí nhưng do không biết thao tác xoá dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh nhân nên phần mềm HIS tự động xuất dữ liệu và chuyển sang cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định BHYT và được cán bộ công nghệ thông tin của bệnh viện ấn nút chuyển giám định, đề nghị thanh toán chi phí cho bệnh nhân”, kết luận nêu.