Ngày 18/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”.
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này đã có 23 bệnh viện thuộc Bộ tự bảo đảm được toàn bộ chi thường xuyên, giảm cấp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã giảm được hơn 25 nghìn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, với số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập còn không ít những tồn tại, vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Theo TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, việc tăng danh thu đang là áp lực thường trực của các bệnh viện tự chủ.
Với nguồn thu chủ yếu dựa vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh, do đó để tăng doanh thu, nhiều bệnh viện đã tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh lên mức trần, mặc dù chất lượng không tăng, hoặc tăng không tương xứng.
Hơn nữa, khi các cơ sở khám chữa bệnh tăng thu có thể dẫn đến tình trạng chèo kéo bệnh nhân, khám chữa bệnh vượt tuyến, từ đó tạo áp lực đến các bệnh viện tuyến trên.
“Các bệnh viện tuyến trên cũng không có động lực để giảm tải bởi áp lực về tăng số thu của cơ sở khám, chữa bệnh.
Một số lãnh đạo bệnh viện nói với tôi rằng, bệnh viện đang sống nhờ quá tải. Tình trạng này sẽ là chỉ dấu để nói rằng, giảm tải bệnh viện chỉ nằm trên khẩu hiệu khó đi vào thực tiễn”, TS Thăng cho hay.
Như vậy, vấn đề đặt ra đối với cấp có thẩm quyền là cần có cơ chế giám sát, kiểm tra phù hợp đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính công tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, có biện pháp để tăng doanh thu hợp pháp của các bệnh viện, khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ bệnh nhân tại các bệnh viện như hiện nay.
Với nguồn thu chủ yếu dựa vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh, do đó để tăng doanh thu, nhiều bệnh viện đã tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh lên mức trần, mặc dù chất lượng không tăng, hoặc tăng không tương xứng.