Bước đi khổng lồ tiếp theo của con người có thể là bay lên sao Hỏa , nhưng có đủ hồng cầu để thực hiện chuyến đi ấy hay không lại là vấn đề. Đây là kết quả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y học Nature Medicine ngày hôm qua, cho thấy thách thức đối với những tham vọng khám phá vũ trụ.
Du lịch vũ trụ rất hấp dẫn, nhưng các nhà nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Canada nay lại nói rằng, du khách sẽ phải ở nhà nếu họ có nguy cơ bị thiếu máu.
Theo GS.TS Guy Trudel - Bệnh viện Ottawa, Đại học Ottawa, Canada: "Tôi cho rằng các khách du lịch muốn có cảm giác không trọng lượng, nhưng theo chúng tôi biết, khi lực hút của Trái đất rất yếu thì quá trình phá hủy hồng cầu bắt đầu. Khách du lịch sẽ trải qua chuyện này".
Các phi hành gia vẫn được biết đến với căn bệnh 'thiếu máu vũ trụ', tức là hồng cầu sụt giảm, nhưng tới nay họ mới biết đây không phải chứng bệnh nhất thời. Các bác sĩ cho hay, hồng cầu bị phá hủy do cơ thể các phi hành gia bay lượn trong trạng thái không trọng lượng, rồi lại bị phá hủy lần nữa khi cơ thể chịu lực hút khi họ trở về Trái đất.
"Khi tàu vũ trụ hạ cánh, tôi chắc các bạn đã từng nhìn thấy các phi hành gia đi không nổi, đứng không xong. Chứng thiếu máu góp phần gây ra chuyện đó", GS.TS Guy Trudel nói.
Bình thường, cơ thể hủy và thay thế gần 2 triệu tế bào hồng cầu mỗi giây, nhưng nhóm nghiên cứu của TS Trudel phát hiện ra rằng, cơ thể của các phi hành gia hủy tới 3 triệu tế bào hồng cầu mỗi giây trong 6 tháng trên vũ trụ. Cơ thể của họ cố sản xuất hồng cầu để bù vào 50% lượng thiếu hụt, nhưng làm được việc đó trong thời gian bao lâu thì chưa thể biết được. Trong khi một chuyến bay khứ hồi lên sao Hỏa sẽ mất khoảng 2 năm. Chuyện sẽ nguy hiểm hơn nếu phi hành gia bị thương và chảy máu.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Canada cũng cho thấy, 1 năm sau khi trở về Trái đất, các tế bào hồng cầu của các phi hành gia vẫn chưa trở về mức trước khi bay lên vũ trụ. Hiện nhóm của TS Trudel đang tìm cách đề ra giải pháp giải quyết vấn đề.