Bến xe Miền Đông mới sắp hoàn thành: Bi hài khi chưa có đường kết nối

Huân Cao |

Công trình xây dựng bến xe Miền Đông (TPHCM) dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I.2019. Điều đáng nói, bến xe có quy mô lớn nhất nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á này, khi hoàn thành cũng khó đưa vào khai thác vì chưa có đường kết nối.

Đường vào bến xe khách nhưng chỉ hợp với... xe máy

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hiện tuyến đường vào bến xe mới rất hẹp. Tuyến đường Hoàng Hữu Nam kết nối từ xa lộ Hà Nội có nhiều đoạn hư hỏng, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà xuống cấp nghiêm trọng.

Trong khi đó, bề rộng mặt đường nhỏ chưa tới 9m, hai xe ôtô khách chạy ngược chiều là chiếm hết diện tích mặt đường.

Tương tự, các con đường còn lại quanh khu vực bến xe đa phần đều nhỏ hẹp, chỉ phù hợp cho phương tiện xe máy. Tình trạng đường sá như vậy, rất khó để thu hút doanh nghiệp vận tải và người dân khi bến đi vào hoạt động.

Bến xe Miền Đông mới sắp hoàn thành: Bi hài khi chưa có đường kết nối - Ảnh 1.

Bến xe đang khẩn trương thi công để kịp đưa vào hoạt động quý 1.2019.

Cơ quan chức năng lo ngại

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới cho biết, vấn đề lo ngại khi bến xe hoàn thành sẽ khó đi vào hoạt động vì đường chật hẹp và chưa có đường kết nối với xa lộ Hà Nội, đã được Samco báo cáo UBND TPHCM.

Theo Samco, đến nay công trình xây dựng bến xe miền Đông mới đã đạt 85% khối lượng.

Tuy nhiên, Samco bày tỏ lo ngại khi bến xe Miền Đông mới hoàn thành, khó thu hút hành khách và các đơn vị vận tải vì các tuyến đường xung quanh chật hẹp. Quan trọng nhất là chưa có đường kết nối từ bến xe ra xa lộ Hà Nội, trong khi xa lộ này là tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh, thành.

Bến xe Miền Đông mới sắp hoàn thành: Bi hài khi chưa có đường kết nối - Ảnh 2.

Bến xe vẫn chưa có đường kết nối để ra tuyến xa lộ Hà Nội này.

Ông Lê Ngọc Hùng - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở Giao thông Vận tải cho biết, đang làm các thủ tục đầu tư xây dựng đường kết nối, xây cầu vượt và hầm chui. Dự kiến đến quý 3.2019 mới khởi công xây dựng (trong khi bến xe mới sẽ đưa vào hoạt động quý 1.2019).

"Về lâu dài, sẽ thực hiện dự án mở rộng toàn bộ tuyến đường Hoàng Hữu Nam, nhưng hiện nay giải phóng mặt bằng bị vướng nên việc triển khai chậm" - ông Hùng nói.

Như vậy, bến xe Miền Đông mới dù có hoàn thành cũng khó đưa vào hoạt động, khi đường ra vào bến chưa được mở rộng và kết nối với xa lộ Hà Nội.

Bến xe Miền Đông mới sắp hoàn thành: Bi hài khi chưa có đường kết nối - Ảnh 3.

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhiều dự án công vẫn còn quy hoạch theo kiểu bao cấp.

Tư duy quy hoạch xây dựng thời bao cấp

Sáng 30.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch chia sẻ. Việc bến xe Miền Đông mới hoàn thành nhưng chưa có đường kết nối đi vào, giống như xây cầu nhưng chưa có đường dẫn lên cầu, xây sân bay nhưng chưa có đường kết nối vào sân bay.

Theo ông Sơn, nhiều dự án công được quy hoạch theo kiểu tư duy bao cấp. Công trình bến xe miền Đông mới khi xây dựng được chia làm nhiều gói như: Gói xây dựng bến xe riêng, gói xây đường kết nối riêng. Vì vậy, khi gói này xong mà gói kia chưa xong thì cũng không thể hoạt động được.

"Xây bến xe xong nhưng không hoạt động vì thiếu đường kết nối là câu chuyện bi hài. Nếu theo tư duy quy hoạch kiểu kinh tế thị trường thì tất cả hạng mục liên quan đến dự án bến xe phải đưa vào một gói quy hoạch chung chứ không thể tách riêng ra. 

Có như vậy, khi bến xe hoàn thành thì đường kết nối vào bến và các công trình phụ trợ khác sẽ hoàn thành theo" - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại