Nhà ga hoàn thành, thủ tục chưa xong
BXMĐ mới có tổng diện tích hơn 16 ha được xây dựng trên địa bàn phường Long Bình (quận 9, TPHCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) do Tổng Cty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công vào tháng 4/2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng gồm bốn khu A, B, C, D, trong đó, khu A là bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ.
Tính đến thời điểm này, BXMĐ mới là bến xe khách liên tỉnh lớn nhất cả nước này với công suất phục vụ đạt hơn 7 triệu lượt hành khách/năm.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 11/9, các công nhân đang hoàn thiện việc sơn ô, kẻ vạch. Khu vực bãi đón trả và đậu xe nằm ở phía sau và bên hông nhà ga với tổng diện tích 30.000m2 đã được sơn, kẻ. Các công trình trong nhà ga gần như đã hoàn thành.
Bên trong nhà ga, các công nhân đã lắp đặt xong các quầy vé, quầy thông tin, lắp đèn chiếu sáng, đèn trang trí… Đại diện SAMCO cho biết, hạng mục quan trọng nhất là nhà ga và các công trình bên trong trị giá 800 tỷ đồng đơn vị thi công đã hoàn thành từ tháng 7.
Để vận hành bến xe, đại diện SAMCO cho biết, chủ đầu tư xin chủ trương và được UBND TPHCM cho phép xây dựng quy chế lựa chọn đối tác khai thác dịch vụ quản lý bến xe. SAMCO đã lựa chọn đơn vị đang quản lý BXMĐ cũ để vận hành khai thác bến xe mới.
Tuy nhiên, thủ tục ký hợp đồng và bàn giao bến xe cho đơn vị khai thác dịch vụ quản lý hiện nay đang chờ Bộ Xây dựng cung cấp văn bản nghiệm thu chính thức mới có thể thực hiện.
Theo đại diện SAMCO, hơn 3 ha thuộc tỉnh Bình Dương đã có quyết định giao đất. UBND tỉnh Bình Dương đã ký hợp đồng giao đất và miễn tiền thuê đất đối với dịch vụ vận tải.
Tuy nhiên, phần diện tích thuộc TPHCM mới chỉ có hợp đồng giao đất và mới đây để có cơ sở xây dựng đơn giá cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới có văn bản gửi hội đồng thẩm định giá đất. Theo quy định, phải mất ít nhất khoảng 45 ngày để hội đồng thẩm định giá đất xem xét, tham mưu UBND TPHCM đơn giá để ký hợp đồng thuê đất.
Do “vướng” về thủ tục, công trình đã 3 lần lỗi hẹn về đích. Ban đầu là vào dịp Tết Nguyên đán 2018, thời hạn hoàn thành được kéo giãn đến quý 1/2019 và sau đó tiếp tục được gia hạn đến ngày 15/8 song đến nay bến xe vẫn bất động.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chậm đưa bến xe vào hoạt động là các công trình kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài vẫn còn ngổn ngang. Tại khu vực cổng chính, đơn vị thi công mới làm đường tạm bằng bê tông.
Các con đường Hoàng Hữu Nam, đường số 13 và đường A8 kết nối bến xe với mạng lưới giao thông bên ngoài nhiều ổ gà và chưa được mở rộng, nâng cấp. Hai cầu vượt và hầm chui kết nối từ QL 1 với bến xe chưa biết đến khi nào khởi công.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kết nối với bến xe thì đang thi công cầm chừng.
Xa trung tâm, thiếu tiện ích
Theo Sở GTVT, BXMĐ sau khi hoàn thành sẽ khai thác hai giai đoạn. Giai đoạn 1, TPHCM dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc) từ bến xe cũ ra bến xe mới. Trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 40 chuyến xe hoạt động tại bến xe mới.
Dự kiến đến năm 2020, sau khi hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như hầm chui, cầu vượt, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hoàng Hữu Nam, TPHCM sẽ di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.
Hiện nay, các đơn vị vận tải đã sẵn sàng chấp thuận theo phương án di dời và chỉ yêu cầu sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối từ bên ngoài vào bến xe.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT cho biết, TPHCM sẽ điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt, trong đó có các tuyến xe buýt trợ giá số 55, 76, 150 và các tuyến không trợ giá số 602, 611.
Các đơn vị cũng lập một tuyến xe buýt mới (mã số 67) kết nối bến xe mới và bến xe cũ. Trung bình mỗi ngày, TPHCM sẽ cung cấp khoảng 80 chuyến xe buýt đón đưa hành khách ra vào bến xe.
Đại diện SAMCO thừa nhận nhiều công trình phục vụ cho hoạt động của BXMĐ mới hiện nay vẫn còn trên giấy. SAMCO đánh giá trong giai đoạn đầu, hiệu quả khai thác của bến xe mới sẽ đạt rất thấp mà nguyên nhân chủ yếu là tình trạng xe dù bến cóc.
“Khi đưa bến xe mới vào hoạt động, với khoảng cách từ trung tâm TPHCM đến bến mới xa hơn nhiều so với bến cũ, tâm lý của hành khách là vẫn thích chọn các xe dù đưa đón tận nhà thay vì phải đón xe buýt, taxi để ra bến xe mua vé”, vị này thừa nhận.
Quan trọng hơn, theo đại diện SAMCO, hiện nay các dịch vụ tiện ích để phục vụ hành khách và hoạt động của bến xe mới hầu như chưa có.
Nhà ga đã xây gồm 4 tầng lầu và 2 tầng hầm nhưng vào bên trong thì… trống trơn, thiếu các dịch vụ ăn uống, mua sắm, trung tâm thương mại giải trí. Người dân đến bến xe cần phải có nhiều dịch vụ cộng thêm. Những dịch vụ này trong quy hoạch bến xe mới, UBND TPHCM đã cho phép làm.
Tuy nhiên, để tổ chức đấu thầu các dịch vụ này, SAMCO phải có hợp đồng thuê đất. Ngoài ra, theo Nghị định 167, tuy thuê đất làm bến xe nhưng có được hợp tác với bên ngoài để làm hay không đến nay vẫn còn bỏ ngỏ...
Chi 430 tỷ đồng làm 2 cầu vượt trước bến xe mới Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, trong tháng 10/2019, UBND TPHCM sẽ phê duyệt dự án xây dựng 2 cầu vượt trước BXMĐ mới để kịp khởi công trong tháng 12.
Một cầu vượt dành cho xe từ tỉnh Đồng Nai rẽ trái vào bến xe và một cầu dành cho xe từ bến xe rẽ trái về trung tâm thành phố.
Ngoài ra, TPHCM còn xây dựng 2 hầm chui song song xa lộ Hà Nội cho xe 2 bánh đi về TPHCM và Đồng Nai, một cầu bộ hành gần ga metro BXMĐ mới. Dự án có tổng kinh phí hơn 430 tỷ đồng.