Một loạt các ứng viên "cổ cồn xanh" - những người lao động làm công việc tay chân hay công việc cần trực tiếp dùng sức lực để hoàn thành - đang đổ xô đến trung tâm lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Apple. Đây là nơi mà chỉ mất vài giờ để một nhân viên mới, không có tay nghề biến thành một nhân viên đứng điều hành dây chuyền sản xuất.
Tất cả nhờ vào hệ thống tuyển dụng hoạt động trơn tru và đơn giản, tại các trung tâm tuyển dụng của nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc - nơi từ lâu đã được mệnh danh là 'thành phố iPhone'.
Nhanh chóng và gấp gáp, mọi thứ được xử lý theo cách gọn gàng nhất để thu nhập và đưa mọi người vào chuỗi cung ứng toàn cầu rộng lớn của Apple. Bên ngoài các trung tâm tuyển dụng như vậy, hàng trăm người tìm việc đang háo hức xếp hàng chờ đợi. Phần nhiều trong số họ vừa xuống tàu hoặc xe bus, vẫn còn cầm theo hành lý và đang mong chờ rằng đêm đầu tiên của họ sẽ trải qua trong ký túc xá của nhà máy.
Người tìm việc xếp hàng bên ngoài cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc.
Tiêu chuẩn để có được việc làm khá thấp, với những ứng viên có thân hình tốt trong độ tuổi từ 16 đến 48. Một ứng viên trẻ mới ngoài 20 tuổi nói rằng cô ấy chưa bao giờ làm việc trong nhà máy, và kinh nghiệm duy nhất là từng được đào tạo như một y tá trong một trường dạy nghề. Nhưng cô đã quyết định nộp đơn xin việc Foxconn "cho vui".
"Tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi khi làm y tá", cô nói.
Nhu cầu về nhân viên của Foxconn gần như không thể đáp ứng được trước khi Apple phát hành iPhone 12 vào tuần tới, thứ sẽ có sẵn để đặt hàng trước bắt đầu từ hôm nay 16/10. Nhà máy cần lượng lớn nhân viên để duy trì hoạt động 24/7, bởi dự kiến lượng nhu cầu người dùng trên toàn cầu với mẫu smartphone lần đầu tiên hỗ trợ 5G của Apple sẽ là rất lớn.
Mặc dù Trung Quốc và Mỹ có sự chênh lệch lớn về kinh tế và công nghệ, nhưng quốc gia châu Á này vẫn dẫn đầu thế giới về khả năng tổ chức lao động hiệu quả, với chi phí rẻ trên quy mô lớn, được củng cố bởi nguồn lao động khổng lồ.
Shen Chen, nhân viên bán hàng tại một trong những trung tâm tuyển dụng Foxconn, cho biết họ đang nhận ít nhất 2.000 đơn đăng ký mỗi ngày. Phía sau cô là một tấm biển cho biết trung tâm hoạt động từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Bảy.
"Chúng tôi đang tuyển dụng mỗi ngày", cô nói. Người phụ nữ này cũng lưu ý rằng tốc độ xử lý nhanh chóng sẽ khiến chỉ trong vài giờ, một người đến nộp đơn xin việc sẽ được đưa đón bằng xe buýt để khám sức khỏe và tiên vào buổi họp giao ban nhân viên mới của mình.
Những công nhân tiềm năng tại cơ sở lắp ráp iPhone đồ sộ này biết họ đang làm gì, vì thông tin về tiền lương và chỗ ở được công khai. Tiền thưởng 10.000 nhân dân tệ (1.488 USD) nếu họ làm việc ít nhất 55 ngày trong ba tháng đầu tiên làm việc.
Nhà máy của gã khổng lồ công nghệ Đài Loan được cho là sử dụng hơn 250.000 nhân công, mặc dù Foxconn từ chối bình luận về các thỏa thuận làm việc chi tiết, với lý do "nhạy cảm thương mại".
Và giờ đây, thông tin rằng Foxconn đang trong giai đoạn tuyển dụng gấp nên tăng tiền thưởng cho lao động mới đã lan truyền, khiến hàng loạt thanh niên Trung Quốc ở độ tuổi 20, 30 ở các khu vực lân cận đã đổ xô đến thành phố này.
Trước khi Foxconn xây dựng nhà máy khoảng một thập kỷ trước, địa điểm này chỉ là một vùng nông thôn ngoại ô Trịnh Châu. Hồi đó, danh tiếng của Foxconn gần như không mấy sáng sủa. Hàng loạt vụ tự sát của nhân viên trong khoảng năm 2010 tại các cơ sở của Foxconn đã thu hút báo chí, thậm chí một số công ty khách hàng của họ, bao gồm cả Apple, đã tiến hành điều tra.
Hành lý của những công nhân nhập cư vừa đến nằm bên ngoài cơ sở sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu khi họ làm thủ tục đăng ký.
Ngày nay, khu phức hợp Trịnh Châu là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc, giúp đưa quốc gia này đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xét về mọi mặt, nhà máy Foxconn là trung tâm kinh tế của khu vực xung quanh. Và dân số khổng lồ, bao gồm hầu hết những người trẻ với công việc được trả lương cao, đã tạo ra một cộng đồng tiêu dùng sôi động.
Trong khi nhiều thành phố nội địa Trung Quốc đang phải hứng chịu làn sóng di cư của người trẻ, thì khu vực xung quanh nhà máy Foxconn lại luôn tập trung đông đúc, tạo ra một bầu không khí sôi động ngang ngửa các khu mua sắm nổi tiếng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Những người bán hàng rong bán quần áo, trái cây, đồ dùng hàng ngày và đồ ăn nhẹ chật cứng dọc theo các con đường gần ký túc xá nhân viên của Foxconn. Một người bán mì cho biết anh ta phải trả 100 nhân dân tệ "phí quản lý" mỗi ngày để có chỗ bán, nhưng công việc kinh doanh vẫn tốt. Một tô phở nóng, giá 5 nhân dân tệ (tương đương 0,74 USD), là lựa chọn phổ biến của những công nhân tan ca muộn tại nhà máy.
Một đặc điểm nổi bật của khu vực này là sự hiện diện đông đảo của các cơ quan lao động giúp người nộp đơn tìm việc làm. Xung quanh trung tâm thương mại Wojin Commercial Plaza, ít nhất có 10 đơn vị hỗ trợ lao động đã mở ra cạnh nhau, với thông báo tuyển dụng được lặp đi lặp lại trên hệ thống loa phát thanh rằng nhà máy Foxconn đang tìm kiếm 20.000 công nhân. Các đại lý khác thì tung ra những thông điệp rầm rộ như "Tin tốt, tin tốt, Foxconn đang tuyển dụng" hoặc "Hãy nắm bắt cơ hội tuyển dụng càng sớm càng tốt."
Theo một đơn vị, toàn bộ quá trình tuyển dụng để được làm việc tại nhà máy sản xuất iPhone có thể chỉ mất vài giờ.
"Nếu bạn hoàn thành cuộc phỏng vấn của mình trước 11 giờ sáng, bạn có thể đi khám sức khỏe và bắt đầu công việc vào buổi chiều", một nhân viên ở đây cho biết.
Các tổ chức này cũng trưng bày các biểu ngữ trình bày chi tiết về chính sách việc làm, tiền lương và tiền làm thêm giờ, cũng như thông tin về chỗ ở, bữa ăn và các phúc lợi khác.
Không có gì lạ khi nhìn thấy họ hàng và các cặp vợ chồng cùng nhau xin việc. Một cặp vợ chồng như vậy, đến từ Hà Nam, là một trong số những người tìm việc đang xếp hàng tại trung tâm tuyển dụng, tay mỗi người xách một chiếc vali. Sau khi nghe nói về đợt tuyển dụng từ một người họ hàng đang làm việc tại nhà máy, vợ chồng anh đã đến nộp hồ sơ ngay khi vừa đến nơi.
Và một cặp cha mẹ đến từ thị trấn Zhangzhuang, cách nhà máy khoảng 2km, đã đưa con gái 3 tuổi của họ đi cùng, khi cả hai cùng xin việc vào thứ Hai.
Bên ngoài một trong những trung tâm tuyển dụng của Foxconn ở Trịnh Châu, những ứng viên vượt qua quá trình phỏng vấn xếp hàng dài để được đưa đón bằng xe buýt để đi kiểm tra sức khỏe.
Theo một số công nhân tại nhà máy, mức lương mỗi giờ hiện là khoảng 30 nhân dân tệ (4,50 USD) - một mức lương cao khủng khiếp so với hơn 20 nhân dân tệ được trả trong mùa sản xuất thấp điểm trước khi iPhone mới ra mắt. Các công nhân cũng cho biết họ đã làm việc theo ca 10 tiếng kể từ tháng 8.
Một nhân viên đang ngồi trong một nhà hàng ở địa phương cho biết anh đã làm việc tại nhà máy này được 4 năm, nhưng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 8 ngày vừa qua là lần đầu tiên anh ta làm thêm giờ - với mức lương gấp ba lần mỗi ngày.
Người dân địa phương nói rằng số lượng công nhân tại nhà máy đã tăng lên đáng kể so với trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nhà máy trong chuỗi cung ứng của Apple. Bởi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc gián đoạn sản xuất do đại dịch.
Thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn coronavirus mới, biểu hiện bằng việc những người đến nộp đơn xin việc phải xuất trình thẻ sức khỏe của họ và phải đeo khẩu trang ở tất cả các khu vực trong nhà.
Những người bán thực phẩm kinh doanh nhiều bên ngoài nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu.
Một người phụ nữ họ Zhang, người đã quản lý một nhà hàng gần nhà máy được 7 năm, cho biết cửa hàng của cô chưa bao giờ nhộn nhịp như vậy trong hai tháng qua.
Sự kết hợp của nguồn cung lao động dồi dào, dịch vụ hậu cần tiên tiến và các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã khiến Trịnh Châu trở thành cơ sở lý tưởng để sản xuất. Bất chấp những lời bàn tán liên tục về việc các công ty lớn đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển dây chuyền sang các thị trường khác như Ấn Độ, hoặc thậm chí chuyển cơ sở sản xuất sang Mỹ, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng nhất đối với các công ty như Foxconn.
Và đối với những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm ở một Trung Quốc hậu đại dịch, các mối đe dọa về sự chia tách này không phải là mối quan tâm.
Zhao, một nhân viên Foxconn cho biết: "Đó không phải là điều chúng tôi lo lắng. Điều chúng tôi quan tâm nhất là đi làm và được trả lương".
Tham khảo SCMP