Nhà tù Fuchū ở vùng ngoại ô phía tây Tokyo là nhà tù lớn nhất Nhật Bản. Với mặt tiền và sảnh lễ tân thoáng đãng, tòa nhà khi nhìn từ bên ngoài có thể bị nhầm là một trụ sở của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, khi bước qua một cánh cửa nặng nề được canh gác cẩn mật, nơi này hiện rõ là một nhà giam. Những bức tường ở đây giam giữ 1.700 tù nhân, phần lớn là người đang thụ án dưới 10 năm.
Bầu không khí tại đây toát lên sự tĩnh lặng và lạnh lẽo. Các phòng giam có chăn màn được gấp gọn gàng, những chồng sách và những bức tường màu xanh bạc hà sạch sẽ.
Sự im lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng chào của một nhân viên bảo vệ với quản ngục Hiroyuki Yashiro, khi ông dẫn một số ít tổ chức truyền thông hiếm hoi được phép tiếp cận tuyến đầu của hệ thống tư pháp hình sự Nhật Bản.
Khoảng 1/3 số nam tù nhân tại Fuchū có liên quan đến yakuza - các băng đảng tội phạm ở Nhật. Họ rất dễ nhận ra với những hình xăm chi chít, chỉ được che một phần bởi chiếc áo tù trắng theo quy định.
Nhà tù thành "viện dưỡng lão"
Theo quản ngục Yashiro, thách thức lớn nhất với nhà tù nhóm tội phạm lớn tuổi ngày càng gia tăng, phản ánh xu hướng nhân khẩu học ở Nhật Bản, quốc gia gần 1/3 trong số 125 triệu dân có độ tuổi từ 65 trở lên.
Ở Fuchū, 22% tù nhân nằm trong độ tuổi đó, dẫn tới những nhu cầu có thể khiến nhà tù trở thành viện dưỡng lão. Các phòng tắm trong nhà tù được cải tạo và có thêm các thiết kế đặc biệt cho người lớn tuổi. Nhà tù cung cấp các khóa đào tạo chăm sóc y tế cho các tù nhân trẻ tham gia để chăm sóc cho những bạn tù lớn tuổi và có thể sử dụng để tìm việc sau khi được tự do.
“Một số tù nhân lớn tuổi gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc tắm rửa nếu không có sự trợ giúp và phải dùng thuốc hằng ngày, vì vậy chúng tôi cần những tù nhân trẻ hơn để giúp đỡ họ” , ông Yashiro nói, đồng thời cho biết thêm rằng hơn 70% tù nhân lớn tuổi cần điều trị cho các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Sự khác biệt về tuổi tác có thể thấy rõ trong các xưởng lao động của nhà tù. Trong một xưởng, những người trẻ làm việc 8 giờ mỗi ngày để làm túi và áo phông, học sửa chữa ô tô, in ấn tài liệu hoặc làm việc trong bếp.
Trong một xưởng khác, tù nhân lớn tuổi chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn giản là lắp ráp các kẹp nhựa để cải thiện sức lực và sự khéo léo của đôi tay.
Quy định hà khắc
Những tù nhân nổi tiếng nhất ở Fuchū có thể kể đến Kenichi Shinoda, thủ lĩnh 80 tuổi của Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm mạnh nhất Nhật Bản. Ngoài ra còn có Michael Taylor, kẻ đã giúp cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn chạy trốn khỏi Nhật Bản vào năm 2019.
Taylor thụ án hơn một năm tại Fuchū trước khi được chuyển đến nhà tù ở Mỹ, đã kể về những điều kiện khắc nghiệt sau khi được thả như: Nhiệt độ khắc nghiệt, thiếu nước, cùng danh sách dài các quy tắc và quy định áp dụng cho tất cả tù nhân không phân biệt tuổi tác, gồm việc không được nói chuyện với tù nhân khác trong lúc làm việc hay ăn uống, phải ngồi đúng tư thế trong thời gian dài trong phòng giam, quyền thăm nom bị hạn chế và chỉ được tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Việc xem TV được giám sát và hạn chế, các tù nhân nước ngoài có thể tiếp cận các chương trình phát thanh bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tù nhân được điểm danh lúc 6h45 sáng và tắt đèn lúc 21h hằng này. Tù nhân tắm 3 lần/tuần, mỗi lần 15 người tắm chung một phòng tắm công cộng lớn.
Quy định nhà tù Nhật Bản dựa trên bộ luật hình sự năm 1908, vẫn giữ nguyên nền tảng hà khắc dù đã có nhiều lần sửa đổi. Các quan chức Nhật Bản khẳng định rằng sự bình yên trong tù chỉ có thể đạt được nếu các quy tắc được tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo giám đốc nhà tù Fuchū, Yuiichiro Kushibiki, việc duy trì trật tự là sự đánh đổi giữa an ninh và tự do cá nhân.
“Nơi này hoạt động được vì mọi người đều được đối xử như nhau”, ông Kushibiki nói.
“Ở đây không có sự phân cấp giữa các tù nhân. Hãy nhìn xung quanh... có khoảng 60 người đàn ông trong xưởng này và chỉ có vài người bảo vệ. Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các tù nhân tuân thủ các quy tắc và từ đó xây dựng được sự tôn trọng đối với các nhân viên”.
Chuyến tham quan kết thúc tại khu vực thăm gặp người thân, nơi tù nhân gặp gia đình và đại diện pháp lý trong các buồng ngăn cách bằng màn hình, ít nhất hai lần mỗi tháng và tối đa năm lần nếu họ được hưởng các đặc quyền nhờ hành vi tốt.
Tuy nhiên, một số tù nhân lớn tuổi có thể không bao giờ đặt chân đến khu vực này. "Họ không còn gia đình hoặc không có ai muốn gặp họ" , quản ngục Yashiro nói. "Khó khăn hơn rất nhiều cho các tù nhân lớn tuổi để thích nghi sau khi được thả. Có những người ở đây thấy cuộc sống trong tù dễ dàng hơn".