Bên trong nhà máy sản xuất iPhone bí mật nhất thế giới

Đình Đình |

Để chứng minh sự minh bạch của mình trước cáo buộc ép nhân viên làm thêm giờ quá nhiều, nhà máy sản xuất iPhone bí ẩn nhất thế giới ở Thượng Hải, Trung Quốc đã mở cửa chào đón nhà báo nước ngoài.

Tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là công xưởng lớn nhất thế giới, việc các nhà máy thuê công nhân với giá rẻ mạt và ép công nhân làm thêm giờ không phải là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, thông tin một công ty lớn như Apple cũng mắc phải nghi vấn này khiến cho nhiều người bị sốc.


Các công nhân xếp hàng ngay ngắn theo kiểu quân đội.

Các công nhân xếp hàng ngay ngắn theo kiểu quân đội.

Sau nhiều năm bị cáo buộc ép nhân viên làm quá giờ, Apple và nhà máy Pegatron Corp ở ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho phép nhà báo phương tây vào bên trong nhà máy để chứng minh cho sự trong sạch của mình.

Nhà máy Pegatron là một trong những cơ sở bí mật nhất tại "đại bản doanh" sản xuất iPhone của thế giới với diện tích tương đương 90 sân bóng đá, ở giữa là một quảng trường với một trạm cứu hỏa, trạm cảnh sát và bưu điện.

Nơi đây có xe buýt đưa đón nhân viên, quán cà phê với bãi cỏ rộng rãi và ao hồ xung quanh.


Nhân viên điểm danh trước máy quét hiện đại.

Nhân viên điểm danh trước máy quét hiện đại.

Khoảng hơn 9 giờ sáng, hàng ngàn công nhân mặc áo khoác màu hồng xếp hàng đi qua máy quét khuôn mặt mặt và phù hiệu tại cửa quay an ninh để điểm danh. Việc kiểm tra ID nghiêm ngặt này để đảm bảo nhân viên không làm thêm quá giờ.

Lúc 9h20', 320 công nhân sản xuất xếp thành hàng ngay ngắn để điểm danh. Một người giám sát cầm chiếc iPad trên tay sẽ đi quét gương mặt của các công nhân. Sau khoảng 6 phút, họ lần lượt bước lên băng chuyền để chuẩn bị công cuộc sản xuất ở tầng trên.

Pegatron cho biết, họ tuân thủ các hướng dẫn của Liên minh Công nghiệp điện tử, không cho phép nhân viên làm thêm quá 80h/tuần và phủ nhận cáo buộc ép nhân viên tăng ca quá đà như đồn đại.

Để chứng minh điều này, Pegatron đã vận hành một hệ thống nhận dạng ID mới. Bằng phù hiệu, các công nhân có thể kiểm tra thời gian làm việc, lương thưởng và thậm chí cả số tiền hỗ trợ ăn trưa của mình.

Theo Pegatron, hệ thống này đã giúp thúc đẩy việc tuân thủ các quy định làm thêm giờ gần như 100%.

Trong báo cáo kiểm toán mới nhất của mình, Apple cho biết, 97% các nhà cung cấp tuân thủ chế độ 60 giờ làm việc/tuần trong năm 2015, tăng 5% so với năm trước.


Nhà máy Pegatron là một trong những cơ sở bí mật nhất tại đại bản doanh sản xuất iPhone của thế giới với diện tích tương đương 90 sân bóng đá.

Nhà máy Pegatron là một trong những cơ sở bí mật nhất tại "đại bản doanh" sản xuất iPhone của thế giới với diện tích tương đương 90 sân bóng đá.

Tuy nhiên, theo tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc, bên trong nhà máy này vẫn đang giấu kín một bí mật.

Mức lương cơ bản của công nhân vẫn còn quá thấp khiến cho nhiều người phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập.

Trong một cuộc bỏ phiếu dành cho các công nhân vào tháng 9-10/2015, 1.261 lá phiếu chính là bằng chứng về việc làm thêm giờ quá nhiều.

Pegatron cực lực phản đối cáo buộc này, vì họ cho rằng sự việc là do nhầm lẫn trong lúc tính toán thời gian làm việc của nhân viên, vì khoảng thời gian đó bị trùng với ngày nghỉ lễ được trả lương gấp 3 lần bình thường.

Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc tố cáo họ đã tìm cách tiếp cận Apple để tìm hiểu sự việc nhưng không nhận được phản hồi, còn Apple và Pegatron lại khẳng định họ chưa bao giờ nhận được bất cứ liên hệ nào từ tổ chức này.

Theo Giám đốc điều hành tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc, việc kiểm tra ID là chỉ là "để làm cảnh", nếu không sẽ chẳng có nhiều trường hợp hàng trăm công nhân phải làm thêm giờ như vậy.

Từ tháng 3/2016, tổ chức này đã thu thập được hơn 441 phiếu lương cho thấy nhân viên làm thêm giờ.


Theo tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc, nhà máy này vẫn đang cố che giấu việc ép nhân viên làm thêm giờ quá nhiều.

Theo tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc, nhà máy này vẫn đang cố che giấu việc ép nhân viên làm thêm giờ quá nhiều.

Các nhân viên tại đây đến từ khắp nơi ở Trung Quốc, từ Tứ Xuyên ở phía Tây đến Sơn Đông ở phía Đông Bắc.

Tuy nhiên, mỗi người chỉ làm việc được một vài tháng. Trong khoảng thời gian 50 phút nghỉ trưa của các công nhân, một công nhân giấu tên tiết lộ họ rất hoan nghênh cơ hội kiếm thêm tiền vì muốn có thêm tiền để cải thiện cuộc sống.

Mức lương trung bình của mỗi nhân viên ở Pegatron là 4.200-5.500 tệ (tương đương 14–19 triệu đồng)/tháng.

Một nữ nhân viên cho biết, mức lương cơ bản của cô là 2.020 tệ (tương đương 7,5 triệu đồng)/tháng, trong khi đó, một chiếc iPhone6 ở Trung Quốc được bán với giá 4.488 tệ (tương đương 15,3 triệu đồng).

Một số người lại cho rằng làm việc ở đây thoải mái hơn các nhà máy khác rất nhiều, vì họ không bao giờ phải làm việc hơn 60 tiếng/tuần.


Tuy nhiên, nhiều nhân viên lại tỏ ra hoan nghênh cơ hội kiếm thêm tiền để cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên lại tỏ ra hoan nghênh cơ hội kiếm thêm tiền để cải thiện cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại