Ông Giàng A Giang, phó Trưởng thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, nơi chụp bức ảnh 4 trẻ ăn cơm nguội với ve sầu) cho hay: Toàn thôn có 50 hộ dân đều di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Trong đó, khoảng 20 hộ không có hoặc có ít đất sản xuất.
Đất khu vực này cằn cỗi, bạc màu, chỉ trồng ngô, sắn nên đời sống người dân rất khó khăn. Nhiều ngôi nhà làm từ vách nứa thô sơ, xiêu vẹo. Người lớn lên rẫy nhiều ngày mới về; trẻ em thường ở nhà một mình. Mọi việc nấu ăn, đi học các em tự làm lấy.
Ngôi nhà che tạm bợ bằng tre nứa. Ảnh: Văn Giang
Ngôi nhà nhỏ bé sau sườn đồi của 1 hộ dân đồng bào Mông. Ảnh: Văn Giang
Theo ông Giang, Nhà nước đã có dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cho đồng bào Mông từ năm 2014. Chính quyền khảo sát, quy hoạch hơn 200 hecta đất cấp mỗi hộ 1 hecta đất sản xuất. Ông rất mong dự án sớm được thực thi giúp dân ổn định cuộc sống.
Sáng 10/6, anh La Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk)- tác giả của bức ảnh 4 đứa trẻ người Mông ở thôn 12 ăn ve sầu với cơm nguội, cho biết: Anh chịu áp lực từ các bình luận không đúng trên mạng xã hội.
Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm mọi nguồn lực giúp đỡ các em nhỏ bởi hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều nhà hảo tâm muốn tặng quà cho những em nhỏ ở làng Mông. Anh đang xin ý kiến lãnh đạo phối hợp thực hiện cho hiệu quả.
Ngoài ra, anh Giang đang xây dựng một kế hoạch dài hơi tặng sách vở, xe đạp; xây dựng thư viện thân thiện... cho những em nhỏ khó khăn.
Người lớn lên rẫy nhiều ngày mới về; trẻ em thường ở nhà một mình. Mọi việc nấu ăn, đi học các em tự làm lấy.
Không gian bếp của 1 hộ dân làng Mông (xã Vụ Bổn). Ảnh: Thanh Hải
8 năm gắn bó với màu áo đoàn, anh Giang phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tặng quà các hộ nghèo, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, đặc biệt khu vực đồng bào Mông. “Ngoài hỗ trợ vật chất trước mắt như gạo, nhu yếu phẩm..., mình còn muốn giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế.
Về các em nhỏ, mình muốn tặng sách, xe đạp để đường đến trường của trẻ thuận tiện hơn; thư viện sách sẽ giúp trẻ biết thêm kiến thức. Khi nhận thức thay đổi, các em trở thành hạt nhân xây dựng buôn làng, quê hương mình”, anh Giang chia sẻ.
Trước đó, anh Giang đã chia sẻ những bức ảnh chụp 4 trẻ em đồng bào Mông lên mạng xã hội kèm nội dung:
"Bữa cơm của bạn có gì, còn các em chỉ có cơm nguội và ve sầu thôi ạ! Trong chuyến khảo sát tại làng Mông, thôn 12 để chuẩn bị cho chương trình Trung thu sắp tới, mình vô tình gặp cảnh 4 cháu nhỏ đang nấu ve sầu mới đi bắt về để ăn sáng (chỉ nấu chứ không phải chiên vì không có dầu ăn).
Ngày Tết Thiếu nhi mà các cháu không biết là ngày gì, không biết cái bánh, kẹo nó vuông tròn ra sao...”.
Bữa cơm sáng ăn kèm với ve sầu của trẻ em thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Ảnh: Lao Động.
Sau khi đăng tải, bài viết nhận được sự quan tâm, nhiều người bày tỏ sự xót xa, thương cảm, kêu gọi giúp đỡ; cũng có người lo lắng về món ăn ve sầu chứa độc tố dễ gây ngộ độc..