Mới đây, dư luận bất ngờ trước việc một khách hàng ở Quảng Ninh nhận được đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu từ một ngân hàng do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ năm 2013. Nhưng qua 11 năm, nợ lãi phát sinh tới nay lên tới 8,84 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, việc phát sinh nợ cao như vậy đến từ công thức tính lãi khi sử dụng thẻ tín dụng và nhất là để nợ quá hạn quá lâu.
Để qua một bên sự kiện "chấn động" trên, Việt Nam vẫn là thị trường thẻ tín dụng "béo bở" khi có mức tăng trưởng tích cực.
Số liệu của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử đang lưu hành.
Còn theo dự báo Dữ liệu Thẻ Thanh toán Toàn cầu đến năm 2027 ở Châu Á - Thái Bình Dương của RBR, khối lượng thanh toán thẻ ở Việt Nam năm 2021 tăng 34%.
"Sự gia tăng này là nhờ chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử. Năm 2021, Việt Nam đã có 570 tỷ khoản thanh toán thẻ, tăng 20% so với năm trước. Trong số các phương thức thanh toán thẻ tại Việt Nam, thẻ tín dụng chiếm 59% tổng khối lượng thanh toán thẻ và thẻ ghi nợ chiếm 41%", Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ.
Hồi cuối năm 2023, Ngân hàng Quốc tế VIB cho biết tổng chi tiêu qua thẻ Mastercard (do VIB phát hành) tại Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD vào năm 2022, gấp hơn 7 lần so với năm 2018. Theo phía VIB, đây là mức tăng trưởng ấn tượng của một đối tác ngân hàng hợp tác cùng Mastercard.
Cũng trong thông cáo này, VIB cũng nêu: Tổng chi tiêu qua thẻ VIB Mastercard tại lãnh thổ nước ngoài đạt hơn 190 triệu USD tính đến cuối năm 2022, tăng hơn 5 lần trong 5 năm qua. Riêng về số lượng thẻ phát hành gồm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng quốc tế tại Việt Nam, VIB là ngân hàng dẫn đầu với mức tăng hơn 5 lần.
Còn theo thống kê từ Hiệp hội Thẻ, trong nửa đầu 2023, thẻ tín dụng VPBank đã đạt kỳ tích tăng trưởng doanh số giao dịch ấn tượng, đạt tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức chung của thị trường là 21%.
Các ngân hàng liên tiếp giới thiệu thẻ tín dụng mới
Cũng trong cuối năm 2023, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng ra thông báo được vinh danh một trong ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng ấn tượng doanh số giao dịch thẻ năm 2023 của Tổ chức thẻ VISA.
Ngân hàng này cũng là ngân hàng duy nhất được VISA tôn vinh Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng Doanh số giao dịch ở nước ngoài đối với dòng thẻ cao cấp TPBank Visa Signature.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2023, doanh số thẻ của TPBank tăng 71% so với 2022, cao gấp 3 lần mức tăng trưởng trung bình trên thị trường (24%). Riêng dòng TPBank Visa Signature có doanh số giao dịch nước ngoài tăng trưởng lên đến 180%, gấp 3 lần trung bình thị trường.
Với các con số tăng trưởng đầy lạc quan ở trên, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục tung ra các dòng sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế mới, bên cạnh hàng chục dòng thẻ tín dụng quốc tế hiện hữu.
VIB có gần 10 dòng thẻ tín dụng quốc tế, đa số mang thương hiệu Mastercard. Phía nhà băng này vừa "tung" ra dòng thẻ VIB Super Card mang thương hiệu American Express với nhiều ưu đãi về hoàn tiền, chọn ngày sao kê…
Cuối năm ngoái, Vietcombank ra mắt thẻ tín dụng cao cấp Vietcombank Visa Infinite dành riêng cho các khách hàng thuộc phân khúc Kim cương Elite - phân khúc khách hàng cao cấp nhất của Vietcombank Priority.
Chủ sở hữu dòng thẻ này sẽ được sử dụng miễn phí những gói dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, ẩm thực - nghỉ dưỡng, ưu đãi về golf, du lịch…
Cũng phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp, OCB đã cho ra mắt thẻ OCB Mastercard World vào cuối năm 2023. Đây là tích hợp thẻ tín dụng, thẻ thanh toán trên cùng một phôi thẻ vật lý và trong cùng một chip duy nhất.