Phát biểu tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Belarus Sergei Aleinik, ông Tần Cương nhấn mạnh, hai nước đã đạt được “bước nhảy vọt lịch sử” trong quan hệ song phương sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cùng tuyên bố nâng quan hệ Trung Quốc-Belarus lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi tình hình tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi tháng 9/2022.
Ảnh: Global Look Press
Ông cho biết, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Belarus thực hiện đồng thuận quan trọng giữa nguyên thủ hai nước, duy trì trao đổi cấp cao, làm sâu sắc hơn tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác song phương đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa. Ông khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Belarus nhằm duy trì ổn định và phát triển quốc gia, phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với Belarus.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Tần Cương đã giới thiệu tài liệu lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine vừa được Bắc Kinh công bố ngày 24/2, nhấn mạnh nước này ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và đàm phán, đồng thời kêu gọi các bên sớm nối lại hòa đàm.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Aleinik khẳng định, phía Belarus “hoàn toàn đồng ý và ủng hộ” tài liệu lập trường của Trung Quốc, cho rằng các đề xuất này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Belarus cũng cho biết, hai bên đặc biệt quan tâm đến cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất trí cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Belarus.
Nhân dịp một năm cuộc xung đột Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 đã công bố “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” gồm 12 điểm, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, ngừng bắn và đình chiến, tái khởi động đàm phán hòa bình, phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.../.