Một người đàn ông khi đi ngang một con chó Kangal đã bị nó tấn công, người bạn của ông ta đã cố gắng giải cứu người đàn ông này nhưng không thể làm gì vì con chó tấn công quá hung dữ. Không những thế, một con chó Kangal đang bị xích gần đó cũng bị kích động mạnh.
Cuộc tấn công bất ngờ của chó Kangal
Rất may là nó đã không thể thoát khỏi sợi xích, nếu không cả hai con chó cùng tấn công một lúc sẽ khiến cho tình huống thêm tồi tệ và hậu quả sẽ thêm trầm trọng. Ngay sau đó, nhiều người đàn ông nghe thấy tiếng ồn và tìm cách cứu giúp nạn nhân này.
Xem video:
Chó chăn cừ Đức cứu người đàn ông khỏi sự tấn công của chó Kangal. Nguồn: Paws Channel
Họ dùng xẻng dài đánh mạnh vào con chó Kangal nhưng đều không có tác dụng gì mà chỉ làm nó thêm hung hăng hơn, cuối cùng một người đàn ông đã nhanh trí chạy đi tháo xích cho một con chó chăn cừu Đức (German Shepherd) gần đó.
Chính chú chó này(Nó là con chó đầu đàn ở đây - pack leader) đã lao đến và can thiệp vào cuộc tấn công của chó Kangal và cho thấy ở đây ai mới là kẻ mạnh hơn. Con chó Kangal dù đang hăng máu cũng phải lùi lại và bị chế ngự ngay sau đó.
Người đàn ông may mắn trốn thoát khỏi cuộc tấn công với vài vết thương nhỏ trên người, tuy vậy nếu không có vị cứu tinh này thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hai giống chó chăn cừu: Một cơ bắp, một trí tuệ
Chó Kangal là một giống chó ngao lớn có nguồn gốc là chó săn từ thời vua Ashurbanipal của Assyrian. Chúng tên gọi khác là Chó chăn cừu Anatoli (Anatolian Shepherd Dog) và được xem như một tài sản quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chó Kangal. Ảnh: Pinterest
Chúng rất to khỏe, có bộ khung xương vững chắc và ngoại hình to lớn (con đực nặng từ 50–66 kg còn con cái là 41–54 kg) nên có thể chống lại các loại thú dữ như chó sói, gấu hay các loại chó rừng khác.
Chúng còn được mệnh danh là tay giết sói chuyên nghiệp với hàm răng rất khỏe, đủ để hạ gục một con sói hoang ăn trộm gia súc, chính vì sự hiếu chiến, khó kiểm soát nên loài chó này dễ xung đột với các loài chó khác lẫn người lạ.
Chó chăn cừu Đức. Ảnh: Wiki
Còn chó chăn cừu Đức (Tại Việt Nam, giống chó này được gọi là chó béc giê hay bẹc giê) tuy không có thân hình to lớn như chó Kangal nhưng bù lại nó lại vô cùng thông minh, tuân thủ mệnh lệnh của chủ nên thường được huấn luyện làm chó nghiệp vụ.
Trong quyển The Intelligence of Dogs của tác giả Stanley Coren thì loài chó chăn cừu Đức có độ thông minh xếp thử 3 chỉ sau hai loài chó là Border Collie và Poodle. Ngoài ra, loài chó này cực kỳ trung thành và có bản năng bảo vệ chủ.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Dogzone, Dogtime