Sự việc bé trai 12 tuổi, rơi từ tầng 22 chung cư Goldmark City (Hà Nội) xuống đất tử vong tối 16/12 gây xôn xao dư luận. Bàng hoàng hơn nữa khi nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên là do bé gặp áp lực trong việc học hành, thi cử.
Nghe đến đây, chắc hẳn không ít phụ huynh cảm thấy giật mình. Bởi có một thực tế đang diễn ra, trẻ nhỏ hiện nay gặp rất nhiều áp lực từ việc học tập, thành tích ở trường lớp, kỳ vọng ở cha mẹ, chưa kể những áp lực do phải học trực tuyến trong thời gian qua.
Trước đó đã có rất nhiều trường hợp trẻ tự tử vì áp lực học hành. Có bé qua khỏi, có bé đã rời xa cõi tạm vĩnh viễn. Năm 2018, một nữ sinh lớp 7 đã để lại hai bức thư tuyệt mệnh, xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không được như kỳ vọng của thầy cô, bố mẹ rồi tự tử ngay trong lớp học. Một nam sinh lớp 10 ở TP.HCM nhảy lầu quyên sinh vì áp lực điểm số, áp lực vì bố mẹ muốn con đứng đầu khối.
Vì sao ngày càng nhiều trẻ tìm đến cái chết?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan – nguyên phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) nêu nguyên nhân khiến tình trạng trẻ tìm đến cái chết ngày càng gia tăng: "Một thực tế đang diễn ra nhất là ở các thành phố lớn là các con thường bị cha mẹ bị ép học tập, bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ.
Một điều rất vô lý là những gì bố mẹ chưa thực hiện được thời trẻ, bố mẹ lại áp đặt và bắt các con thực hiện thay mình mà quên rằng đứa trẻ có quyền được sống với ước mơ của bản thân chúng.
Và điều tất lẽ dĩ ngẫu là khi chịu áp lực học tập đến từ phía bố mẹ, nhà trường trong một thời gian dài, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được. Đó chính là chết trong kỳ vọng của bố mẹ".
Hiện nay, nhiều trẻ em gặp áp lực lớn trong việc học tập. (Ảnh minh họa)
Bà Loan gợi nhớ một hình ảnh có lẽ đã trở nên quá quen thuộc: Những đứa trẻ vừa tan trường đã ăn vội cái bánh mì, cây xúc xích lót dạ rồi nhanh chóng tới lớp học thêm tới tối muộn mới về.
“Tôi chắc chắn rằng, không một đứa trẻ nào muốn có tuổi thơ là chuỗi ngày vội vàng đi học như thế cả” - bà Loan nhấn mạnh.
Đáng báo động là tỷ lệ trẻ em gặp vấn đề lo âu học đường thể hiện trên một con số không nhỏ - 80%, theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội). Đó là những lo lắng về mối quan hệ với bố mẹ, kỳ vọng của phụ huynh, bị bắt nạt học đường, lo lắng trong quan hệ với thầy cô, áp lực trong định hướng nghề nghiệp…
Sức ép từ học tập căng thẳng như vậy, nhưng đôi khi, điều mà trẻ nhận lại từ bố mẹ không phải là những lời động viên, khích lệ mà là lời chì chiết, sự so sánh với một hình ảnh “con nhà người ta” nào đó.
Kỳ vọng của phụ huynh quá lớn khiến con cái stress nặng nề. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục Vũ Thu Hương nhận định, ở độ tuổi nhiều biến động, sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn, khi còn hạn chế kinh nghiệm, kỹ năng sống, khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.
Trẻ em cần được nghỉ ngơi và tận hưởng tuổi thơ
Không một người làm bố làm mẹ nào muốn gây áp lực cho con đến mức phải tự tử. Mà đó là do sự thiếu hiểu biết, kỳ vọng quá mức, không thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ. Do đó, đã đến lúc phụ huynh cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và những đứa con trong gia đình để có sự điều chỉnh, tránh tình huống không mong muốn xảy ra.
Để làm được điều đó, các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên cho phụ huynh:
- Tìm hiểu để thấu hiểu hơn về tâm sinh lý của con, không nên tạo thêm áp lực trong việc học tập, giáo dục khắt khe, giáo điều, chạy theo thành tích.
- Cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, dạy con học bằng một thái độ tích cực, tránh gây áp lực về việc đỗ - trượt, điểm thi cao - thấp lên trẻ, so sánh con với những đứa trẻ khác.
- Thường xuyên trò chuyện với con mỗi ngày để kịp thời nắm bắt những bất thường trong tâm lý của trẻ, có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời không quên động viên, khích lệ con trong học tập.
- Tạo điều kiện để con có thời gian vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao, gặp gỡ bạn bè để giảm bớt căng thẳng nội tâm. Luôn nhớ rằng, nghỉ ngơi và tận hưởng tuổi thơ là quyền lợi của trẻ em.
- Khi thấy con có những dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để can thiệp kịp thời.