Bé trai lao ra giữa đường, cái kéo tay cùng tiếng phanh của xe container khiến tất cả "chết lặng"

Quân Anh |

Tình huống giao thông là bài học lớn đối với các bậc phụ huynh trong việc trông coi con nhỏ, đặc biệt là những gia đình ở ngoài mặt đường lớn - thường xuyên có nhiều phương tiện qua lại.

Đoạn clip ghi lại tình huống giao thông dưới đây đang là chủ đề tranh luận khá sôi nổi trong những ngày qua trên mạng xã hội. Theo nội dung đoạn clip, thì vào thời điểm xảy ra sự việc, trên đường có khá đông các phương tiện qua lại.

Một đứa trẻ khoảng 3 tuổi đang chơi một mình bên đường, rồi bất ngờ lao ra giữa làn xe. Đúng lúc đó, người đàn ông phát hiện vội lao ra kéo bé trai lại, xe container đang di chuyển cũng đồng thời phanh gấp tránh va chạm. Khoảng khắc diễn ra chỉ trong vài giây khiến những người chứng kiến gần như "chết lặng". May mắn đứa trẻ bình an, còn chiếc xe container kia cũng không xảy ra va chạm liên hoàn nào với các phương tiện khác.

Đa số ý kiến đều cho rằng người nhà bé trai đã quá cẩu thả trong việc trông coi con nhỏ. 

"Quá may mắn khi tài xế container phanh kịp thời và đặc biệt là cú phanh gấp ấy không gây ra vụ tai nạn liên hoàn nào trên đường. Xem clip mà bực hộ bác tài xế, người nhà phải để ý tới con mình hơn chứ, nhất lại còn ở ngoài mặt đường lớn".

"Chúc mừng cho cả 2 bên. Gia đình cháu nhỏ phúc dày, bác tải xử lý nhanh và cũng có phần may mắn. Những ai có nhà gần đường nên chú ý cháu nhỏ, không phải lần nào cũng được may mắn như vậy".

Bé trai lao ra giữa đường, tài xế container phanh "cháy đường" tránh va chạm

Trong trường hợp tương tự như trên, trẻ nhỏ lao ra giữa đường gặp tai nạn thì bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi của số đông sau khi theo dõi tình huống trên.

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008: Theo đó, đối với trẻ em dưới 7 tuổi khi tham gia giao thông phải có sự giám sát của người lớn. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ không được để trẻ em tự ý di chuyển vào những làn đường giao thông. Như vậy, trước hết lỗi để trẻ em chạy ra đường thuộc về người chăm sóc trẻ.

Còn đối với trường hợp người lái xe, trường hợp trẻ em bất ngờ lao ra đường mà người lái xe không thể quan sát được có thể được coi là tình trạng bất khả kháng và người lái xe không có lỗi để xảy ra thiệt hại, căn cứ khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, nếu tai nạn giao thông xảy ra do do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thiệt hại, thì người lái xe được miễn trừ bồi thường thiệt hại dân sự.

Đối với trường hợp người lái xe có thể quan sát và phát hiện ra đứa trẻ trước đó. Và buộc phải lường trước được tình huống đứa nhỏ đó sẽ chạy qua đường, đồng thời phải có những xử lý như giảm tốc độ. Nếu tài xế chủ quan không thực hiện thì không được coi là tình trạng bất khả kháng. Trường hợp này người lái xe phải bồi thường thiệt hại, căn cứ khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, trường hợp này người lái xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông đối với xe mô tô, gắn máy và các loại xe tương tự, căn cứ theo điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Còn đối với xe ô tô có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, căn cứ điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Hơn nữa, trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tính mạng con người, thì người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ - Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại