Bé trai bị chó cắn tổn thương nặng vùng đầu, mặt

VÂN ANH, MỸ LINH |

Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bé trai 7 tuổi, trong tình trạng tâm lý hoảng sợ, đa vết thương vùng đầu mặt do bị chó cắn.

Hình minh họa

Hình minh họa

Bác sĩ Lục Huy Bình, Khoa Ngoại tổng hợp - Liên chuyên khoa cho biết: Bệnh nhi bị nhiều vết thương rách phức tạp ở môi trên và dưới, các vết thương rách da gò má trái, các vết thương đỉnh đầu, các vết thương vùng đỉnh chẩm sâu sát xương, chảy máu, phần mép vết thương nham nhở dập nát, chảy máu bẩn do bị chó cắn.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch giảm đau, đồng thời, băng rửa vết thương, phẫu thuật cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt lọc tổ chức bị hoại tử, khâu tạo hình lại vết thương, tiêm huyết thanh và vaccine ngừa bệnh dại.

Hiện tại, sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, vết thương khô, liền nhanh và chuẩn bị được xuất viện.

Theo bác sĩ Bình, hàng năm, có nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Do trẻ nhỏ nên thường bị chó tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ, đây là vấn đề rất nguy hiểm, trong khi người lớn lơ là, không chú ý để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ em thường thích chơi đùa với vật nuôi là chó, mèo. Tuy nhiên, đôi khi cũng không thể kiểm soát hết được hành động của con vật. Do đó, các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ.

Ngoài ra, vật nuôi phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm. Nếu trẻ không may bị chó cắn cần sơ cứu, làm sạch vết thương, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương, tiêm phòng dại, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại