Ký ức những trận đòn
Mới đây, Công an huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hữu Long (SN 1985, ở thôn Xuân Đình, xã Hàm Tử) về tội “ngược đãi hoặc hành hạ con”, nạn nhân là cháu Nguyễn Hữu H (SN 2011), con đẻ của Long.
Ngày 24/9, phóng viên tìm về xã Hàm Tử, nơi hai bố con H sinh sống. Căn nhà trọ cấp 4 rộng chừng 10 m2 ẩm thấp, lụp xụp ven trục đường dẫn vào thôn Xuân Đình đã khóa kín cửa, đồ đạc bên trong cũng được chuyển đi. Khi hỏi về Long, nhiều người dân trong thôn tỏ ra ngao ngán và cho biết, không ai muốn dây dưa vào vì sợ liên lụy.
"Hằng ngày khi nấu cơm xong cháu đều phải chờ bố về ăn cùng, nếu ăn trước sẽ bị bố đánh. Có hôm chờ đến khuya bố về cháu mới được ăn tối. Bố đánh cháu nhiều lắm. Cháu sợ nên có lần xin bố cho cháu về ở với bà ngoại nhưng bố không cho, còn đánh vào lưng cháu rồi nói "tao chưa chết nên mày không được về".
Nguyễn Hữu H
Theo người dân địa phương, cách đây khoảng 6 tháng, Long đón cháu H về sống tại căn nhà thuê của người quen trong thôn để sinh sống, mở cửa hàng nhỏ bán rau dưa. Trong thời gian này, Long còn đón một phụ nữ có một con gái về ở cùng. Ở được không lâu, hai mẹ con bỏ đi...
Một hàng xóm xin giấu tên kể, Long nghiện ma túy, thường xuyên đi vắng nên những công việc như bán hàng, nấu cơm đều do cháu H làm. Long thường đánh con vào ban đêm và đóng kín cửa nên ít người biết. Khi mọi người đến mua hàng hỏi về những vết bầm tím trên người, cháu H chỉ nói là bị bố đánh. Còn nếu ai bắt gặp Long đánh con vào ban ngày mà đến khuyên can thì Long càng đánh con nặng hơn khiến mọi người tỏ ra e ngại.
Bà Hạnh và cháu H
Cháu H vẫn còn nhớ như in những lần bị bố đánh bằng dây lưng, búa, điều cày,... Khi thì bố bắt nằm xuống đất để đánh rồi đuổi ra ngoài trời bắt đứng phơi nắng, sau đó gọi vào đánh tiếp. Hay có lần, cháu bảo bố dạy học thì bị bố đánh xong mới dạy. Ngoài những trận đòn trên, rất nhiều lần H cũng chẳng biết bị bố đánh bởi lý do gì, có khi bố đi chơi về, lại lôi cháu ra đánh.
“Hằng ngày khi nấu cơm xong cháu đều phải chờ bố về ăn cùng, nếu ăn trước sẽ bị bố đánh. Có hôm chờ đến khuya bố về cháu mới được ăn tối. Bố đánh cháu nhiều lắm. Cháu sợ nên có lần xin bố cho cháu về ở với bà ngoại nhưng bố không cho, còn đánh vào lưng cháu rồi nói “tao chưa chết nên mày không được về, H kể.
Không chỉ dùng đòn roi, nhiều người dân trong thôn còn chứng kiến việc Long sai con đi hái rau ăn sống nhưng cháu hái nhầm lá lốt. Tức giận, Long bắt cháu đứng ngoài đường ăn hết nắm lá lốt sống khiến ai cũng bức xúc. Khi mọi người đến khuyên can thì anh ta nói “con tôi thì tôi dạy”.
“Tôi còn sống là còn nuôi được cháu”
Sức khỏe cháu H hiện đã ổn định. Bà ngoại của H là bà Nguyễn Thị Hạnh (70 tuổi, trú tại xã Hàm Tử) đã làm việc với chính quyền địa phương xin đón H về nuôi. H đã đi học trở lại để bắt nhịp với các bạn. Khi mọi người nhắc đến bố, trên gương mặt H vẫn hiện rõ nỗi sợ hãi, e dè và nói với mọi người: “Được về ở với bà ngoại cháu rất vui nhưng vẫn sợ. Buổi tối đi ngủ cháu hay nằm mơ thấy bố đón về đánh tiếp”.
Gia cảnh bà Hạnh thuộc hộ có kinh tế khó khăn trong xã. Chồng bà qua đời từ lâu, để lại 5 người con, đến nay 3 người đã mất. Mẹ cháu H đang chấp hành án phạt 27 năm tù về tội mua bán ma túy, mới thụ án được 3 năm. Hoàn cảnh mẹ cháu H khá éo le khi trải qua 3 đời chồng với 5 con.
“Sau khi sinh cháu H, bố mẹ nó dính ma túy nên tôi là người nuôi cháu từ lúc 3 tháng tuổi. Đến khi cháu được hơn 6 tuổi, khoảng năm 2017 thì cũng là lúc Long chấp hành xong án phạt tù về ma túy trở về địa phương. Những tưởng sau khi ra tù Long đã “hoàn lương”, lại đến xin được đón cháu về nuôi nên tôi đã mủi lòng cho H đến ở với bố.
Tuy nhiên, anh ta thường xuyên đánh đập, chửi bới cháu H và đe dọa cháu không được kể với bất cứ ai. Trong tháng 8 và tháng 9/2020, cháu H bị bố đánh nhiều hơn và nghiêm trọng hơn với những vết sưng, tím tái trên khắp cơ thể. Nhìn thấy vết bầm tím trên người cháu tôi xót xa lắm nhưng không làm cách nào được vì Long không cho đón cháu về”, bà Hạnh nói.
Nói về cuộc sống trong thời gian tới, bà Hạnh cho biết, hiện tại công việc hằng ngày của bà là gấp vàng mã, tiền công được khoảng 10 nghìn đồng/ngày, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. “Ngày xưa tôi nuôi cháu từ lúc 3 tháng đến bây giờ, thì nay đến chết tôi cũng nuôi được cháu”, bà Hạnh nói.
Học sinh ngoan ngoãn, hoạt bát
Cô Lê Thị Hạnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hàm Tử, nhận xét, H là học sinh ngoan ngoãn, nói năng hoạt bát. Ngay từ những ngày đầu nhận lớp, H cũng nhận được sự quan tâm từ các cô hơn các bạn khác trong lớp vì trên khuôn mặt em luôn hiện lên vẻ cam chịu, mất đi sự hồn nhiên ngây thơ của lứa tuổi học trò. H cũng là một học sinh đặc biệt, được các cô quan tâm hơn vì em chỉ nặng 17kg, thấp bé như học sinh mầm non.
Ngôi trường cháu H đang theo học
“Những lần em bị đánh, các bạn ở trong lớp lại kể luôn với cô giáo nên tôi mới biết và gọi em ra hỏi han xem bị đánh ở đâu, có đau không. Lúc này H mới dám nói. Em kể với tôi, có hôm 12 giờ đêm bố về em mới được ăn cơm và ngồi học thì bị bố lôi ra ngoài cống thoát nước trước cửa nhà đánh. Lần khác bố lấy chân đạp vào lưng, cũng chẳng bởi lý do gì, khiến em không thở được”, cô Hạnh kể.
Cũng theo cô Hạnh, ở lớp, H nắm bắt bài còn hạn chế, học lực ở mức trung bình nhưng lại hăng hái tham gia phát biểu ý kiến trong các giờ học. Trong học kỳ 2 năm lớp 3, H có nhiều cố gắng và được nhận giấy khen học sinh vượt trội môn toán.
Hiệu phó trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hàm Tử Lê Thị Thứ nói, việc em H bị bố đánh đập đã diễn ra từ năm lớp 3, thời gian gần đây cháu bị bố đánh ngày càng nhiều hơn. Nhà trường cũng đã nhiều lần thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết...