Ảnh: Báo Công an nhân dân & Báo Công luận
Sống nhờ vào tình thương của người hàng xóm
Mẹ của bé Q.A. là chị Nguyễn Thị Dạ T. (45 tuổi). Sau khi ly dị với bố của Q.A, hai mẹ con thuê nhà trọ trong hẻm 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1 từ 10 năm trước. Hẻm nhỏ nên mọi người đều sống tình cảm nên từ ngày bé, Q.A. đã được các bà, các cô trong hẻm cưng như con cháu trong nhà.
Riêng bà Hồ Thị C. (56 tuổi, nhà đối diện) thì có tình cảm đặc biệt với Q.A. hơn cả, có món gì ngon đều gọi em sang ăn cùng. Dần dà, em coi vợ chồng bà C. như chính ông bà mình.
Khi hỏi chuyện những người hàng xóm về bé Q.A., bà Trương Thị Mỹ D. (50 tuổi) nhận xét bé có tình cảm đặc biệt với gia đình bà C. nên trong xóm đều an tâm khi nhà bà nhận nuôi lúc bé vừa mồ côi mẹ vì Covid-19.
“Bả thương nó, nuôi từ nhỏ tới lớn, nó ở bển ăn ngon hơn ở với mẹ nữa. Ở với bà thấy có tương lai lắm”, bà D. nói với PV báo Thanh Niên.
Mẹ của Q.A. trước đây làm nhân viên ở đường Bùi Viện, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống của 2 mẹ con. Dịch bệnh ập đến khiến cuộc sống hai mẹ con gặp nhiều khó khăn, chị xoay xở đủ nghề, từ phụ giúp việc nhà theo giờ, giác hơi tại nhà...
"Mấy năm trước, ba mẹ nó chia tay, ba nó về lại Đồng Tháp, lâu lâu ghé Sài Gòn đón nó đi chơi. Đặc thù công việc của mẹ nó hay làm về khuya nên tôi lo cho Q.A. ăn, ngủ. Cha nó còn 7 - 8 đứa con với người vợ đầu nên cũng lo không xuể, nó ở với mẹ, gắn bó với mẹ nhất mà giờ mẹ nó đi vậy, tội lắm", bà C. kể với phóng viên Thanh Niên.
Nhìn vào đôi mắt của bé gái mới 9 tuổi nhưng đã phải trải qua nỗi đau quá lớn, bà C. chỉ biết thở dài và hy vọng vào một tương lai tươi đẹp bù đắp cho tuổi thơ cơ cực của em.
Sau khi hoàn cảnh của Q.A. được mọi người biết đến, em đã được vào danh sách nhận học bổng dành cho trẻ mồ côi vì Covid-19, các mạnh thường quân, chính quyền địa phương đã tìm đến và hỗ trợ bé, cùng san sẻ việc nuôi dưỡng với bà C.
Những lúc ăn cơm hay đi ngủ, đều gọi mẹ về trong nước mắt
Câu chuyện buồn của Q.A. bắt đầu từ đầu tháng 8, khi mẹ em phát hiện mình bị nhiễm Covid-19, em đã sang ở hẳn nhà bà C. để mẹ cách ly, tự chữa trị tại nhà.
Bệnh tình trở nặng, chị T. được đưa đi viện. Kể từ đó, Q.A. nhiều lần đứng trước cửa nhà bà C. ngó sang nhà mình và cầu mong cho mẹ mau khỏi bệnh.
Thế nhưng, ông trời dường như không nghe thấy lời thỉnh cầu của bé, mẹ em đã ra đi vì căn bệnh Covid-19 sau 2 ngày nhập viện.
“Lúc đó Q.A. nghe tin mẹ mất thì khóc nức nở. Nói thật lúc đó tôi bất lực lắm, chỉ biết an ủi ‘thôi con đừng khóc, mẹ con lên thiên đàng rồi, con cố gắng sống tốt để mẹ ra đi được thanh thản’, rồi ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu lặng người đi vì tin dữ đến quá bất ngờ”, bà C. buồn bã kể với PV báo Công Luận.
Đau lòng hơn, Q.A. có bà ngoại nhưng bà cũng đã qua đời vì Covid-19, chú và ông ngoại cũng vừa mới trị khỏi Covid-19, đang cách ly tại nhà.
Đến nay đã là hơn 1 tháng Q.A. xa mẹ nhưng em vẫn chưa thể quên từng câu nói, cử chỉ, việc làm của mẹ. Q.A. làm việc gì cũng nhớ đến mẹ, những lúc ăn cơm hay đi ngủ, em đều gọi mẹ về trong nước mắt.
Trong căn nhà bà C. mà bây giờ đã trở thành nhà của Q.A, em đang ngồi học online nhưng chốc chốc lại ngước mắt trầm tư nhìn về căn nhà đối diện quen thuộc, nơi có biết bao kỷ niệm hạnh phúc.
“Trước con với mẹ ở đó, giờ đóng cửa rồi con không vào được. Nhìn qua là con nhớ tới hình ảnh ở bên trong đó, ngày trước mẹ hay ngồi chỗ nào, con ngồi chỗ nào, hai mẹ con nói chuyện gì với nhau”, bé gái 9 tuổi kể với PV Thanh Niên.
Trên bàn học online của em có một chiếc điện thoại Nokia đã cũ mà em coi như "báu vật" bởi nó chứa đựng những hình ảnh em bên mẹ từ nhỏ đến giờ.
Em mở từng tấm hình, vui vẻ khoe với cô chú phóng viên từng kỷ niệm hạnh phúc bên mẹ mà mới đây thôi em còn được trải nghiệm.
Em bộc bạch với nguồn trên: “Lần cuối con ngủ với mẹ chắc lâu lắm rồi. Nhớ mẹ, con không giấu được nên hay khóc, nhất là buổi tối. Bà thấy vậy an ủi, nói con khóc thì mẹ sẽ “vướng bận không đi được” nên con xem ảnh để cố quên đi”.
Nghe Q.A. nói vậy, bà C. cũng chấm nước mắt. Bà đau lòng kể nhiều hôm cứ đến tối em lại ra cửa nhà bà để nhìn sang ngôi nhà cũ, vô thức gọi "Mẹ ơi" rồi khóc lớn, hỏi đến thì bé càng khóc to hơn nên bây giờ bà phải giả lơ để Q.A. tập tự bình tĩnh.
“Trước khi ăn cơm thì cháu thường chắp tay, gọi mẹ về ăn chung. Đi ngủ thì cháu cũng đặt một cái gối bên cạnh, rồi tưởng tượng đó là mẹ đang ôm mình ngủ. Nhiều lúc nghe cháu nói ‘con ghét con Covid quá, vì nó mà con mất mẹ’, tôi như lặng đi. Về sau thấy cháu dần chấp nhận chuyện mẹ ra đi, tôi cũng yên tâm phần nào", bà C. tâm sự với báo Công Luận.
Kết thúc cuộc nói chuyện, bà C. với ánh mắt đượm buồn nói bà chỉ mong Q.A. lớn lên thông minh, mạnh khỏe để có được một cuộc sống, một tương lai tốt hơn. "Dù chỉ là hàng xóm nhưng tôi coi Q.A. như cháu ruột, tôi sẽ hỗ trợ, chăm sóc bé trong khả năng của tôi", bà C. nói với nguồn trên.
Tổng hợp