Hôm thứ Tư tuần này, bà Park mạnh tay cải tổ nội các bằng cách thay Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ An ninh và An toàn công cộng.
Đợt thay đổi nhân sự Chính phủ được đánh giá là một nỗ lực của bà Park nhằm xoa dịu cơn bất bình của dư luận đối với vụ bê bối đang loang rộng khiến đảng cầm quyền chao đảo.
Dư luận thêm bất bình
Tuy nhiên, các chuyên gia nói với CNBC rằng việc bà Park cải tổ nội các có thể hại hơn là lợi.
“Trái với kỳ vọng của bà Park, việc bất ngờ thay đổi nhân sự này phản tác dụng. Những người phản đối bà ấy càng thêm giận dữ vì tin rằng cách làm như vậy là một chiến lược để duy trì kiểm soát và không phù hợp với những kế hoạch đang được tính đến về một nội các trung lập, trong đó Thủ tướng được trao quyền hoạch định chính sách và bà Park ngồi ghế sau”, nhà phân tích cấp cao về châu Á Scott Seaman thuộc công ty nghiên cứu Eurasia nhận xét.
Ông Seaman cũng nói rằng các đảng đối lập của Hàn Quốc giờ đây có thể sử dụng đa số gộp chung của họ tại Quốc hội để cản trở những nỗ lực của bà Park nhằm đưa ra các ứng cử viên của bà. Ngoài ra, bà Park sẽ không thể phớt lờ những phản đối của họ, xét đến vị thế mong manh của bà hiện nay.
Bà Park, 64 tuổi, đối mặt với những lời kêu gọi từ chức hoặc bị luận tội sau khi một người bạn thân của bà là bà Choi Soon-sil bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với Tổng thống để can thiệp vào công việc quốc gia.
Bà Choi bị cho là đã tiếp cận được với nhiều tài liệu mật và tham gia vào hoạt động ra quyết định của bà Park.
Bà Choi, 60 tuổi, cũng bị cáo buộc tham nhũng, sử dụng mối quan hệ với bà Park để gây sức ép buộc các công ty phải tài trợ những khoản tiền lớn cho các quỹ phi lợi nhuận mà bà lập ra, đồng thời được ưu ái khi vay vốn ngân hàng.
Cuối tuần trước, hơn 10.000 người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul, kêu gọi bà Park từ chức. Bà Choi bị cơ quan công tố tạm giữ và thẩm vấn từ hôm thứ Hai đến nay vẫn chưa được thả.
Ngày thứ Ba, các công tố viên lục soát 8 ngân hàng để tìm kiếm thông tin về các giao dịch của bà Choi.
Một cựu trợ lý cấp cao của bà Park là ông Ahn Jong-beom đã bị tạm giữ vào ngày thứ Ba vì bị tình nghi liên quan đến việc moi tiền của doanh nghiệp. Ông Kim Byong-joon, người được bà Park bổ nhiệm làm tân Thủ tướng, ngày thứ Năm nói rằng theo quan điểm của ông, bà Park có thể bị điều tra.
Tuy nhiên, Eurasia nhận định rằng khả năng bà Park giữ được ghế Tổng thống là 70%.
Nhường quyền cho Thủ tướng?
“Bà Park sẽ hoàn thành được nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 5 năm của mình vào tháng 2/2018, nhưng có thể bà ấy sẽ phải từ bỏ địa vị thành viên trong đảng của bà ấy và buộc phải chuyển phần lớn quyền lực cho Thủ tướng mới”, ông Seaman giải thích.
Chuyên gia này nói thêm vai trò của bà Park có thể sẽ bị giới hạn trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh quốc gia.
“Một sự sắp đặt trong đó bà Park bị giảm quyền lực, kết hợp với một vị Thủ tướng và một nội các bảo vệ lợi ích cho cả đảng cầm quyền và các đảng đối lập, sẽ là một sự sắp đặt vừa khó tạo ra, vừa khó quản lý”, ông Seaman cảnh báo.
Mặc dù vậy, ông Seaman kỳ vọng quá trình hoạch định chính sách kinh tế vẫn sẽ diễn ra bình thường bởi các chính trị gia không muốn đẩy cao hơn nữa mức độ giận dữ của công chúng.
Với sự sụt giảm niềm tin của công chúng Hàn Quốc đối với năng lực lãnh đạo của Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về khả năng suy giảm tiêu dùng, đầu tư, và thậm chí cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc cũng đứng trước rủi ro.
“Một hệ quả tiêu cực của vụ bê bối, cho dù bà Park có đi hay ở, là những nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản sẽ bị cản trở.
Đặc biệt, sự phản đối của người dân và phe đối lập sẽ gia tăng đối với kế hoạch của bà Park về hoàn tất một thỏa thuận song phương với Nhật về chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên, cũng như đối với thỏa thuận mà bà Park nhất trí hồi năm 2015 với Nhật về xoa dịu nỗi đau mà quân đội Nhật gây ra cho phụ nữ Hàn Quốc trong chiến tranh”, ông Seaman nói.
Theo vị chuyên gia, nếu bê bối khiến hai thỏa thuận trên không được ký kết, thì mối quan hệ Nhật-Hàn sẽ chuyển xấu.
Một chuyên gia khác nhấn mạnh rằng vụ bê bối Park-Choi làm lộ ra những điểm yếu của hệ thống chính trị Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp.
“Nếu bà Park từ chức luôn, thì sẽ có một cuộc bầu cử Tổng thống mới trong vòng 60 ngày, và điều này tạo cho ứng cử viên của các đảng đối lập một lợi thế lớn vì công chúng đã rất bất mãn với bà Park và đảng của bà ấy”, ông Sung-yoon Lee, giáo sư thuộc Đại học Tufts, nhận định.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, không một đảng đối lập lớn nào ở Hàn Quốc có sự chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đua có lợi ích cao như vậy.
“Vấn đề nằm ở chỗ không hề có một nhân vật số 2 nào trong hệ thống chính trị của Hàn Quốc”, ông Lee chỉ ra.
“Chức Thủ tướng chỉ là danh nghĩa. Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm và làm việc như một thư ký cho Tổng thống. Không giống như ở Mỹ, Hàn Quốc không có người nào đủ tiêu chuẩn để tiếp quản quyền lực trong trường hợp khẩn cấp”.