Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận bé trai 10 tuổi (trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đến trong tình trạng đặt nội khí quản, phải thở máy, suy hô hấp, đuối nước, phù phổi cấp.
Theo lời kể lại của chị gái, bé trai bị trượt chân ngã xuống ao khi đang chơi. Chị gái cùng bạn kéo em lên sau 2 phút bị rơi xuống nước. Lúc này, bệnh nhi trong tình trạng bất tỉnh, tím tái, mềm nhũn.
Áp tai vào ngực em nghe tim vẫn đập, sờ lên mũi kiểm tra hơi thở rất yếu, người chị đã tiến hành hô hấp nhân tạo và ấn tim. Được một lúc thì em trai mở mắt và kêu cứu nhưng tiếng bé.
Bé trai đã ổn định
"Cháu nhờ các bạn đi tìm người giúp đỡ" , cô bé nói và cho biết một lúc sau chú hàng xóm đến giúp. Bé trai sau đó được người nhà đưa đi cấp cứu do hơi thở vẫn còn yếu.
Khi vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, bệnh nhi tỉnh táo, hơi tím, đã được thở oxy, dùng lợi tiểu. Sau khoảng 3-4 tiếng, bệnh nhi xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, oxy máu giảm còn khoảng 80 - 85%. Bác sĩ đã đặt ống nội khí quản cho trẻ và chuyển đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai vào giờ thứ 6 từ lúc bị đuối nước.
Tại đây, bệnh nhi trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, SPO2 vẫn duy trì được 94%, trào bọt hồng qua nội khí quản, phổi thông khí kém.
Bác sĩ Hiếu cho biết bệnh nhi được hút dịch qua nội khí quản, chụp X-quang tại giường. Kết quả, bác sĩ thấy rõ tình trạng viêm phổi, phù phổi nên cho thuốc an thần, thở máy. Một ngày sau, bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn, cai máy thở, chuyển sang thở oxy.
Bác sĩ Hiếu nhận định đây là trường hợp may mắn vì quá trình xử lý cấp cứu ban đầu của người chị rất hợp lý. Bé gái mới chỉ 11 tuổi nhưng nắm được kỹ năng sơ cứu đuối nước như nghe tim, ép tim, hà hơi thổi ngạt, gọi người hỗ trợ. Khi bệnh nhân có phản ứng tự thở được, người nhà mới đưa đi cấp cứu. Nếu không được cấp cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút, bệnh nhi có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong.
Bé gái chia sẻ, bản thân học những kiến thức kỹ năng ở trường và trên truyền hình khi cứu người bị đuối nước.
Cách sơ cứu đuối nước
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, khi sơ cứu đuối nước, không được dốc ngược bệnh nhân lên và chạy. Hành động đó dễ khiến người bệnh trào ngược vào đường thở, nếu suy hô hấp, tình trạng có thể nặng hơn.
Khi đưa được người đuối nước lên bờ, phải xem xét đường thở, tim, phổi của bệnh nhân. Áp vào mũi, miệng, ngực của bệnh nhân xem còn thở không, nghe xem nhịp tim có hay không. Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, tím tái, tiến hành ép tim và thổi ngạt ngay. Có thể ép tim, thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần).
Sau khoảng 4 đến 5 lần, đánh giá lại xem bệnh nhân có thở được, có nhịp tim lại hay không. Nếu không có, tiếp tục ép tim, thổi ngạt đến khi có người hỗ trợ đến. Khi cấp cứu, cần đặt nạn nhân trên nền cứng, nằm nghiêng an toàn để tránh trào ngược vào đường thở, phải ngửa cổ làm sao để thông thoáng đường thở.
" Luôn đảm bảo cấp cứu người đuối nước tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi. Nếu họ đang ngừng thở, ngừng tim mà đưa đi luôn thì chắc chắn bệnh nhân sẽ có di chứng hoặc tử vong ", bác sĩ Hiếu nói.