Lời đồn:
Tình yêu dành cho "bạn đời" ở loài thiên nga sâu đậm đến mức chúng sống cặp với nhau đến trọn đời. Chúng là những "sinh vật huyền thoại" chỉ cất tiếng hót khi sắp chết.
Mặc dù sở hữu vẻ ngoài thanh nhã và xinh đẹp, nhưng chúng là những kẻ cục cằn có thể làm gãy tay của bạn bằng cánh của mình.
Sự thật:
Thiên nga thường sống chung trọn đời với bạn tình. Nhưng dù cảm xúc đến từ cả hai thì sự chung thủy ở loài thiên nga có mục đích rõ ràng là để chung tay nuôi được nhiều thiên nga con nhất.
Thiên nga cũng khá ồn ào. Thật ngạc nhiên, loài thiên nga trắng cũng không ngoại lệ.
Chúng sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ con mình, kể cả làm gãy tay người. Nhưng sự thật là chúng không đủ sức để làm điều đó.
Những sự thật chưa kể về loài thiên nga
Thiên nga trắng tạo nên hình ảnh cổ điển của sự dâng hiến, với hai chiếc cổ cong chụm vào nhau thành một trái tim hoàn hảo.
Đó là một phần của nghi lễ tán tỉnh, trong đó cặp đôi đối mặt nhau và uốn cong người xuống một cách duyên dáng với bộ lông xù và đôi cánh giơ lên.
Vũ điệu tán tỉnh của chúng đi kèm với một loạt tiếng rít và âm thanh lầm rầm. Vì vậy, ý nghĩ rằng thiên nga chỉ cất tiếng hát khi chúng sắp chết – cái gọi là bài ca thiên nga – chỉ là đồn thổi.
Tất cả sáu loài thiên nga đều thực hiện điệu nhảy tán tỉnh kiểu như vậy dẫu có một số biến thể. Thiên nga đen Úc có bộ lông đặc biệt để thu hút bạn tình. Những con thiên nga Bewick thuộc Âu-Á gào rú khi tán tỉnh lại trở nên nhẹ nhàng sau khi chúng “lập gia đình”.
Trong khi đó, thiên nga kèn ở Bắc Mỹ, đúng như tên gọi của chúng, lại gây huyên náo hơn cả. Đó là nhờ vào ống khí quản quấn lại ngoằn ngoèo khiến chúng có thể kêu như tiếng còi xe. Chúng cũng bơi theo nhịp với cái đầu nhấp nhô và “cất tiếng hát” trong khoảng thời gian này.
Nguồn: Joe Blossom / Alamy
Một khi xong quá trình tán tỉnh, thiên nga đực và thiên nga cái gắn bó thực sự với nhau trọn đời, trừ một số ngoại lệ hiếm xảy ra. Hầu hết các loài chim khác sẽ nuôi con cùng nhau trong suốt một mùa, nhưng sẽ chuyển sang bạn tình mới sau đó (ở mùa tiếp theo).
Hơn nữa, nhiều loài cũng thực hiện hành vi “ngoại tình”. Như ở loài vịt đặc biệt quan tâm đến các mối quan hệ khác như vậy. Bằng cách kiếm thêm bạn tình, chúng có thể tạo ra nhiều con hơn.
Tuy nhiên, đối với thiên nga, lợi ích của việc “bên nhau trọn đời” lớn hơn nhiều so với việc “chơi bời bên ngoài”.
Những cặp đôi gắn kết sẽ nuôi dưỡng những con non hết lứa này đến lứa khác trong suốt cuộc đời của chúng, có thêm kinh nghiệm thành công và thất bại trong việc nuôi dưỡng mỗi lần như thế. Cơ hội học hỏi này có thể là một lý do khiến chúng không tách rời nhau.
Ngoài ra, những cặp đôi thiên nga mang lại sức chiến đấu hiệu quả cao hơn so với khi một mình. Một trong hai con nếu bị tách ra sẽ bị đe dọa thường xuyên hơn và ít cơ hội hơn khi gặp những đối thủ hung hãn.
Con cái cũng ăn ít hơn khí tách ra khỏi bạn tình. Vì vậy, bằng cách kết hợp với nhau, chúng giúp tự bảo vệ mình.
Nguồn: Larry Corbett / Alamy
Ở lại với nhau cũng có thể giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng. Cứ hàng năm, những con thiên nga Bewick bay một quãng đường dài và khốc liệt từ các vùng đất thuận lợi cho việc sinh sản ở miền bắc nước Nga đến các khu di trú mùa đông của Châu Âu.
Chúng chỉ dừng lại ở những chặng ngắn để nạp thêm năng lượng. Vì vậy, chúng có ít thời gian để ve vãn tán tỉnh.
“Hầu hết các con thiên nga Bewick bắt cặp với nhau trong mùa sinh sản ở vùng Bắc Cực thuộc Nga”, Eileen Rees thuộc tổ chức WWT (Wildfowl and Wetlands Trust), cho biết.
“Dường như cuộc di cư dài 2.500 km và sự thiếu hụt mùa hè ở Bắc Cực đã giới hạn khả năng của chúng để tìm một người bạn đời mới và sinh sản trong năm”.
Bewick di cư xa nhất trong tất cả các loài thiên nga, điều có thể là lý do tại sao chúng ít có khả năng “ly hôn” nhất.
Trong vòng 50 năm qua chỉ có ba trường hợp “ly hôn” tại WWT Slimbridge, nơi có 10.000 con thiên nga Bewick cư trú suốt mùa đông kể từ khi các nghiên cứu về chúng bắt đầu vào năm 1963.
Nguồn: Ed Dunens, CC by 2.0
Vậy tại sao thiên nga lại rời khỏi “người tình trăm năm’ của mình, dù đã là ông bố bà mẹ? Cũng giống như con người, chúng đôi khi bỏ đi khi mọi thứ trở nên tồi tệ.
“Những con thiên nga thay đổi bạn đời đôi khi sau một mùa sinh sản tồi tệ hoặc thất bại trong việc xây tổ ấm”, Radoslaw Włodarczyk thuộc Đại học Lodz ở Ba Lan cho biết.
“Phải mất 1-2 mùa cho những con thiên nga hợp đôi và bắt đầu sinh sản lại”. Đôi mới này thường nuôi ít con hơn trong năm đầu tiên của chúng, nhưng sẽ tăng dần lên trong những năm sau đó, đặc biệt đối với con cái so với lúc bắt cặp trước đó. Ở Ba Lan, tỷ lệ chia tay ở những con thiên nga trắng là khoảng 4%.
Cũng tương tự “ly hôn”, thiên nga thỉnh thoảng cũng thích “ăn phở”. Nhưng thực sự chỉ có những con thiên nga đen Úc cái thường xuyên không chung thủy mà thôi.
Khoảng 1/7 trứng được nuôi bởi một con đực thiên nga đen không phải là của mình, bởi con cái sẽ giao phối với một con đực khác khi nó không thể có con với bạn đời của mình.
Nguồn: Kesara Rathnayake, CC by 3.0
Đối với 5 loài thiên nga khác, những rủi ro liên quan đến việc tìm kiếm bạn tình ngoài, như mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc đơn giản là không tìm được bạn tình mới là quá cao.
Vì vậy, chúng vẫn son sắt một lòng với nhau, đặc biệt những con thiên nga đực là những "ông chồng" mẫu mực hiện đại.
Thiên nga đực trưởng thành: Những "ông chồng" mẫu mực
Không giống hầu hết vịt và ngỗng, chúng hỗ trợ trong việc ấp trứng, giúp con cái có thời gian ăn nhiều hơn để khôi phục lại lượng mỡ dự trữ mà chúng mất đi khi sinh nở.
Những con đực thiên nga đen thực sự dành nhiều thời gian cho tổ ẩm của mình hơn con cái. Điều đó có vẻ kỳ lạ, bởi vì những con thiên nga đen là ít chung thủy nhất. Nhưng không giống như những loài thiên nga khác, thiên nga đen có thể đẻ trứng nhiều lần trong một năm.
Khi con cái ở trên tổ càng lâu càng cần thêm thời gian để nó sẵn sàng để đẻ lứa trứng mới. Bằng cách giải phóng cho con cái, con đực đảm bảo rằng lứa trứng kế tiếp sẽ đến một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nó sẽ có nhiều con hơn, miễn sao đó là con của mình.
Một khi thiên nga con chui ra khỏi trứng, thiên nga bố mẹ sống với con trong khoảng thời gian từ sáu đến chín tháng.
Nguồn: Buiten-Beeld / Alamy
Giống như nhiều bậc cha mẹ, thiên nga sẵn sàng nhảy xổ vào nếu gia đình chúng bị đe dọa. Nhưng liệu chúng thực sự có thể làm gãy cánh tay của bạn bằng đôi cánh của mình?
Bất hạnh cho ai vô tình động chạm tới một gia đình thiên nga. Những con thiên nga đực sẽ bảo vệ tổ của chúng một cách hung tợn. Cũng như việc bảo vệ những đứa con của mình khỏi kẻ thù, điều này cũng ngăn cản con cái giao phối với con đực khác.
Khi nhận thấy một mối đe dọa, một con thiên nga sẽ đứng thẳng dậy với đôi cánh xòe ra đột ngột và rít, cất tiếng lầm rầm, khịt khịt, và phe phẩy. Nhưng phần lớn đây chỉ là màn kịch lừa con nít của chúng.
Nguồn: Dan Ciminera, CC by 2.0
Có rất ít khả năng một con thiên nga có thể làm gãy xương của người lớn, mặc dù một đứa trẻ hay người lớn tuổi có thể không may mắn như vậy vì xương của họ yếu hơn. Những con thiên nga có để đánh một cú đau bằng chỗ khớp nối ở cánh, nhưng không thể có đủ lực để làm điều trên.
Đó là do cấu tạo xương của chúng. Tất cả các loài chim bay đều có cấu trúc xương giống như tổ ong để làm cho chúng càng nhẹ càng tốt.
Thiên nga nằm trong số những loài chim bay nặng nhất, vì vậy chúng cần có cấu tạo tối ưu nhất có thể. Đổi lại là xương của chúng yếu hơn so với của những động vật khác. Kết quả là một con thiên nga có nguy cơ làm gãy cánh chính nó nếu tác động vào tay của một người trưởng thành.
Xem thêm:
12 con thiên nga được chuyển về hồ Thiền Quang: Cứ bơi vào gần bờ sẽ xua ra vì sợ bị trộm
Nguồn: BBC