Bẫy tin giả tràn ngập trên mạng xã hội

VTV |

Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng mạng xã hội nên tìm đến những nguồn tin chính thống đồng thời tự mình kiểm chứng trước khi bấm chia sẻ bất cứ thứ gì trên đó.

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội , bất kỳ ai có một chiếc điện thoại kết nối Internet đều có thể cập nhật từng phút diễn biến của các sự kiện xảy ra trên khắp thế giới. Các bài đăng trên mạng xã hội pha trộn đủ loại thông tin: thật, giả, sai lệch ngữ cảnh, thậm chí cố ý bóp méo thông điệp truyền tải. Số lượng của các bài đăng này cũng quá lớn so với khả năng xử lý hay kiểm tra thông tin của nhà quản lý.

Ví dụ rõ nét nhất hiện nay về bẫy tin giả chính là thông tin xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chỉ tính riêng trên ứng dụng chia sẻ video TikTok, từ ngày 24/2 tới 31/3, số video chứa thẻ #Ukraine đã vượt 34,2 tỷ lượt xem, vượt xa các nền tảng khác. Đi kèm với điều đó là không ít thông tin sai sự thật, tin giả.

Ngay từ tuần đầu tháng 3, TikTok đã dừng tính năng đăng tải video và phát trực tiếp tại Nga do đạo luật về tin giả mới tại quốc gia này.

Bẫy tin giả tràn ngập trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 3, số video chứa thẻ #Ukraine trên TikTok đã vượt 34,2 tỷ lượt xem

Là ứng dụng được sử dụng rộng rãi với hơn 3 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu, TikTok lại có nhiều tính năng khiến người dùng dễ bị rơi vào bẫy tin giả. Một trong số đó là cho phép người dùng đăng tải video và clip âm thanh mà không cần biết đến nguồn gốc. 

Thêm vào đó, trang "Dành cho bạn" của TikTok chứa hầu hết là các video của người xa lạ, được quyết định bằng thuật toán. Thuật toán này sẽ hiển thị các video dựa trên dữ liệu cá nhân hóa nhằm giữ chân người dùng lâu trên ứng dụng. Điều này khiến người dùng càng dễ tiếp cận với tin giả, tin sai sự thật hơn do thuật toán ưu tiên nội dung có tính tương tác cao hơn.

Giáo sư trợ lý Dustin Carnahan thuộc Khoa Truyền thông, Đại học Bang Michigan, Mỹ cho rằng: "Chúng ta càng tương tác với loại nội dung nào thì sẽ càng được đề xuất những nội dung tương tự nhiều hơn. Điều này khiến chúng ta khó tiếp cận với các nguồn tin đa chiều, ngay cả trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay. Con người vốn đã có xu hướng dễ chấp nhận những nhận định hay tuyên bố phù hợp với quan điểm của mình hơn và không thoái mái với những quan điểm trái chiều. Mạng xã hội càng khiến việc ra khỏi vùng an toàn trở nên khó khăn hơn".

Chính các mạng xã hội cũng đang có hành động giúp người dùng tránh bẫy tin giả. Meta - công ty mẹ của Facebook - cho biết, nền tảng mạng xã hội này đã tăng thêm nhân lực để kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, số lượng bài đăng quá lớn cũng khiến cho việc kiểm tra trở nên khó khăn.

Giới chuyên gia khuyến cáo, người dùng mạng xã hội nên tìm đến những nguồn tin chính thống đồng thời tự mình kiểm chứng trước khi bấm chia sẻ bất cứ thứ gì trên mạng xã hội, tránh trở thành nạn nhân của bẫy tin giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại