Bây giờ là năm 2018 và chúng ta vẫn chẳng biết vì sao con ngựa vằn lại có vằn

J.D |

Nghiên cứu mới đây đã bác bỏ giả thuyết được nhiều người đồng tình nhất về sự tồn tại của bộ lông sọc đen trắng của ngựa vằn. Vậy là tất cả lại quay về điểm xuất phát.

Trên các đồng cỏ của châu Phi có một loài vật tuyệt đẹp. Chúng cao lớn, thân hình lực lưỡng khỏe khoắn, bước chạy khoan thai cùng bộ vằn đen trắng khó nhầm lẫn. Loài vật ấy là ngựa vằn.

Loài vật này dĩ nhiên có rất nhiều vấn đề để nói. Tuy vậy, bộ lông vằn sọc trắng đen của chúng lại là yếu tố khiến giới khoa học đã phải đau đầu tìm hiểu từ rất lâu rồi.

Bây giờ là năm 2018 và chúng ta vẫn chẳng biết vì sao con ngựa vằn lại có vằn - Ảnh 1.

 Rõ ràng, bộ lông vằn không phải là một lợi thế để tồn tại trên đồng cỏ châu Phi. Nhưng chúng vẫn được giữ lại trong quá trình tiến hóa vì một lý do nào đó mà đến tận giờ phút này, chúng ta vẫn chẳng hiểu tại sao.

Một trong những giả thuyết phổ biến và được chấp nhận nhiều nhất, đó là các sọc trắng đen tồn tại để giúp chúng điều hòa thân nhiệt. Giả thuyết này xuất phát từ việc loài ngựa vằn sinh sống tại các vùng khí hậu ấm sẽ có sọc nhiều hơn.

Theo đó, các vùng đen trắng có khả năng hấp thụ và phản xạ nhiệt khác nhau, khiến luồng không khí xung quanh có xung động thay đổi với tần số nhiều hơn, và từ đó giúp giảm bớt thân nhiệt của ngựa vằn.

Nhưng có thực là như vậy không?

Để kiểm tra xem hiệu ứng này có thực sự xảy ra, một nhóm chuyên gia từ ĐH Eötvös Loránd (Hungary) đã thực hiện một thí nghiệm. Họ sử dụng các thùng chứa nước, bọc trong da của một số loài vật khác nhau.

"Cơ thể động vật được mô phỏng bằng các thùng nước, bọc trong da của ngựa, ngựa vằn, và một số loài gia súc khác" - trích lời Gábor Horváth, tác giả nghiên cứu.

Bây giờ là năm 2018 và chúng ta vẫn chẳng biết vì sao con ngựa vằn lại có vằn - Ảnh 2.

"Các thùng nước sẽ được đặt ngoài trời trong vòng 4 tháng, và nhiệt độ quanh thùng sẽ liên tục được đo nhờ nhiệt kế. Chúng ta sẽ biết được nhiệt độ phân bổ quanh các thùng nước khác biệt như thế nào".

Tuy nhiên khi so sánh nhiệt độ của các thùng nước - kể cả trong những ngày nóng nhất - thì làn da ngựa vằn cũng không cho thấy sự khác biệt gì đáng kể so với các loài vật khác.

"Nhiệt độ trung bình tăng dần theo thứ tự sau: bò trắng, bò xám, da ngựa vằn thật, da vằn nhân tạo, ngựa xám, ngựa đen" - Horváth cho biết.

 Nói cách khác, câu chuyện hấp thụ và phản xạ nhiệt thần thánh kia đã không xảy ra. Vậy nên, các chuyên gia đã phải lần lại một số nghiên cứu trước kia để giải thích cho sự tồn tại của lớp lông vằn. Và họ tìm ra 2 giả thuyết.

Đầu tiên, bộ lông vằn tưởng như không phải lợi thế, nhưng có vẻ là một phương pháp nguỵ trang hết sức đặc biệt. Nó sẽ tạo ra một dạng ảo ảnh thị giác khi ngựa vằn bỏ chạy, khiến những kẻ săn mồi cảm thấy hoa mắt.

Bây giờ là năm 2018 và chúng ta vẫn chẳng biết vì sao con ngựa vằn lại có vằn - Ảnh 3.

Bộ lông sọc này có thể gây hiệu ứng ảo ảnh thị giác, khiến kẻ thù... chóng mặt

Giả thuyết thứ hai là để đánh lạc hướng loài bọ hút máu. Trong một nghiên cứu vào năm 2012 (Horváth cũng tham gia nghiên cứu này), thì do ánh sáng phản xạ tại các vùng lông đen trắng là khác nhau, nên các loài côn trùng sẽ bị nhiễu định vị. Nói đơn giản hơn thì lũ bọ ấy sẽ không thích đậu trên lông ngựa vằn.

Giả thuyết này cũng giải thích cho việc ngựa vằn ở các vùng khí hậu nóng ẩm có nhiều sọc hơn. Âu cũng là để đối phó với số lượng bọ lớn hơn mà thôi.

Nhưng dù vậy thì tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Chúng ta vẫn chẳng thể phủ nhận được thực tế rằng bộ lông của ngựa vằn đang là một trong những bí ẩn lâu đời nhất mà con người vẫn chưa thể giải đáp được, kể cả với khoa học kỹ thuật ngày nay.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Tham khảo: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại