Cơ quan cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc hôm 4.4 lệnh cho tất cả các trụ sở cứu hỏa tại các khu vực trọng yếu gồm Seoul, tỉnh Gyeonggi và tỉnh Bắc Chungcheong điều xe cứu hỏa tới thị trấn biên giới Goseong, cách Seoul khoảng 210km về phía đông bắc.
Theo Trung tâm chỉ huy lực lượng cứu hỏa Gangwon, hỏa hoạn bùng phát ở ven đường tại Goseong vào khoảng 19h17 ngày 4.4 và lan sang một ngọn núi gần đó. Cư dân và du khách ở một khu chung cư gần đó đã phải sơ tán.
Cơ quan cứu hỏa đã phát cảnh báo cấp cao nhất - cấp ba - kể từ 21h44 tối cùng ngày.
Theo Yonhap, cảnh báo cấp 1 nghĩa là đám cháy chỉ ảnh hưởng ở một khu vực nhất định, cấp 2 đồng nghĩa với hỏa hoạn bao trùm một thành phố hoặc một tỉnh. Cấp cao nhất - cấp 3 - được phát đi với những vụ hỏa hoạn có ảnh hưởng trên phạm vi toàn bộ đất nước, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ cháy.
"Rất hiếm khi xe cứu hỏa được điều đi trên phạm vi toàn quốc" - Yonhap dẫn lời một quan chức cơ quan cứu hỏa.
Theo giới chức, gió mạnh khiến việc dập lửa trong giai đoạn đầu không thể thực hiện được. Ban đầu, 23 xe cứu hỏa, 78 lính cứu hỏa đã được triển khai khi cảnh báo ở cấp độ 2. Đến khoảng 20h31, 40 xe cứu hỏa từ các khu vực khác đã được lệnh triển khai để hỗ trợ dập lửa và dự kiến lực lượng cứu hỏa trên khắp Hàn Quốc sẽ được huy động.
Vụ cháy rừng cũng ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, một số cư dân ở Sokcho, phía nam Goseong cũng được yêu cầu sơ tán. Hiện lực lượng cứu hỏa vẫn đang nỗ lực dập lửa.
Yonhap cho hay, tỉnh Gangwon cũng đang vật lộn để đương đầu với một đám cháy khác ở huyện miền núi Inje, cách Seoul 165 km về phía đông bắc. Vụ cháy này bùng phát vào khoảng 14h45 chiều 4.4.
Tính đến 19h cùng ngày, lực lượng cứu hỏa cho biết chỉ có thể dập được khoảng 10% diện tích cháy rừng. Nỗ lực chữa cháy bị trì hoãn khi trực thăng không thể tham gia hỗ trợ khi đêm xuống, đồng thời gió mạnh cũng khiến việc dập lửa khó khăn hơn. Hiện chưa có báo cáo về thương vong từ vụ cháy.
Những hình ảnh khủng khiếp từng đám cháy rừng ở Hàn Quốc hôm 4.4. Dân cư ở khu vực lân cận đã phải sơ tán. Ảnh: KBS, Yonhap.