Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt, vấn đề lớn nhất của Ngân hàng Á Châu (ACB) hiện nay là xử lý nợ xấu liên quan đến nhóm 6 công ty (G6) của “bầu” Kiên, Ngân hàng (NH) Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và NH Xây Dựng (CBBank).
Đối với nhóm nợ G6 liên quan đến bầu Kiên, ACB thu hồi hoặc ghi nhận dự phòng từ năm 2016 đến năm 2018 với mục tiêu 1.000 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, ACB đã thu hồi được 100 tỷ đồng và 200 tỷ đồng chi phí dự phòng được ghi nhận trong báo cáo tài chính.
Đối với khoản tiền gửi liên NH tại GP Bank vào thời điểm cuối quý I/2016 là 772 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tháng 4/2016, ACB đã hoán đổi hơn 500 tỷ đồng với các tài sản khác của GP Bank là trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 9,2%.
Riêng khoản phải thu từ CBBank là 400 tỷ đồng, NH Nhà nước đã đồng ý hoàn trả cho ACB trong vòng 5 năm theo phương án thanh toán định kỳ với lãi suất 2%/năm. Theo đó, khoảng 88 tỷ đồng sẽ được thanh toán trong năm đầu tiên.
ACB cũng có kế hoạch tái phân loại khoản nợ này thành nợ nhóm 1, khi CBBank bắt đầu thanh toán, đồng nghĩa với khoản dự phòng 176 tỷ đồng sẽ được hoàn nhập, đồng thời ACB cũng sẽ bắt đầu ghi nhận lãi dự thu.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, CBBank chưa thanh toán cho ACB.
Chiều 17/6, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đấc ACB xác nhận với phóng viên báo Người Lao Động các khoản tiền gửi tại GP Bank, các khoản thu từ CBBank và nhóm nợ liên quan đến bầu Kiên đều nằm trong kế hoạch và đề án tái cơ cấu mà ngân hàng kiên định thực hiện, để đạt được kết quả tốt nhất.
Năm 2016, ACB dự kiên tăng trưởng tín dụng 18% và trong quý I/2016 đã tăng được 7,6%.