Thời điểm U23 Việt Nam thi đấu VCK U23 châu Á, bầu Đức từng có 2 tuyên bố rất đáng chú ý và sau đó đều thành hiện thực. Khi chúng ta vào Tứ kết, ông đã nói hãy chờ tới lúc Việt Nam vào Bán kết. Và khi chúng ta vào Bán kết, ông đã khẳng định sự tự tin đội chắc chắn sẽ vào được Chung kết.
Hai lời tiên đoán, 2 niềm tin của bầu Đức đều đã trở thành hiện thực, không chỉ bằng may mắn mà trên hết là nền tảng thực lực của U23 Việt Nam.
Có lẽ chính vì thế, khi chúng ta đoạt ngôi Á quân U23 châu lục, bầu Đức tiếp tục đặt ra những kỳ vọng lớn lao hơn. Ông bày tỏ mong muốn HAGL có thể "tiện tay" được thì sẽ vô địch luôn V-League 2018. Và rằng giờ đây bóng đá Việt Nam có thể sớm nghĩ tới VCK World Cup.
Mong ước của bầu Đức về 2 mục tiêu trên chẳng sai chút nào mà còn hết sức tích cực và cần thiết. Thế nhưng, nó cũng có những mặt trái.
HAGL dễ biến thành tấm bia ở V-League
Trong quá khứ, chẳng ít lần bầu Đức tuyên bố mạnh miệng về chuyện HAGL sẽ vô địch V-League. Để rồi, đám trẻ của ông bị cả giải đấu dồn lại, đá "chết bỏ" mỗi khi gặp mặt và hệ quả là lại phải rơi vào cuộc đua trụ hạng.
Tệ hơn, đã có thời điểm Công Phượng và đồng đội tiết lộ không trận nào rời sân mà không có những vết bầm trên người vì bị các đàn anh đối thủ chơi xấu.
Như lời tiền vệ Nghiêm Xuân Tú của Than Quảng Ninh chia sẻ, việc thi đấu V-League 2018 với các ngôi sao U23 Việt Nam là động lực của anh và những cầu thủ khác thể hiện bản thân mình. Hiện thời, đây đang là niềm cảm hứng rất tích cực.
Nhưng cũng theo HLV Lê Thụy Hải, dân đá bóng ai chẳng có máu ăn thua, và những tuyên bố muốn "tiện thể" thì vô địch của bầu Đức dễ biến những định hướng tích cực trở thành máu ăn thua và khiến HAGL lại biến thành tâm điểm để các CLB khác đá "chết bỏ" như cách đây 1, 2 năm.
Dục tốc bất đạt
Trở lại giấc mơ World Cup của bầu Đức, có lẽ nhanh lắm thì cũng phải chờ tới năm 2026, khi VCK thế giới mở rộng ra 48 đội. Thời điểm ấy, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã 30 tuổi, còn Quang Hải cũng đã 28 tuổi.
Đấy là thời điểm nếu những tài năng của lứa U23 Việt Nam hiện tại đều có thể "chín" thì đã có những người bước vào sườn dốc sự nghiệp, có những người còn đang trên đỉnh cao nhưng ở giai đoạn cuối và rất cần thêm sự bổ sung, là các cầu thủ trẻ trung hơn.
Nếu muốn nghĩ về VCK World Cup thì lứa U23 hiện tại là chưa đủ.
Vậy những cầu thủ đó ở đâu ra? Đó chính là toàn bộ lứa trẻ của Việt Nam hiện tại, từ U11 - U19. Việc tập trung toàn bộ vào lứa U23 Việt Nam hiện tại cho giấc mơ World Cup sẽ là không hợp lý, mà cần một sự đầu tư dài hơi, đồng bộ cho toàn bộ nền bóng đá trẻ Việt Nam.
Đây sẽ là việc tốn rất nhiều tiền của và thời gian của bầu Đức, cũng như nhiều ông bầu làm bóng đá khác cùng VFF. Vì thế, hy vọng rằng trong giấc mơ hướng tới World Cup, bầu Đức hãy trở lại mặt đất, tính toán thật kĩ những đường đi nước bước, để tiếp tục phát triển bóng đá trẻ Việt Nam.
Thực tế là ngay cả Học viện HAGL vốn đã có khóa một rất thành công, thì cái khó là từ các khóa tiếp theo, đang có sự sút giảm khá rõ về chất lượng nhân sự. Điều này vốn không lạ, khi dù có làm tốt công tác đào tạo trẻ đến mấy, bóng đá vẫn thường có tính chất thế hệ, tức là thế hệ này rất xuất sắc, nhưng không đảm bảo các lứa sau sẽ đều đặn được như thế.
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ chỉ mang ý nghĩa nâng cao số % sẽ có những thế hệ cầu thủ tiếp theo chất lượng, chứ không mang tính đảm bảo 100%. Bởi vậy, giấc mơ World Cup vẫn sẽ cần sự kiên nhẫn và toàn tâm, vì nó có thể sẽ đến sớm ngay năm 2026, hoặc lại đến rất muộn...
Những khoảnh khắc xúc động của sao U23 khi trở về Việt Nam